Sỏi mật là một trong những bệnh lý về túi mật phổ biến nhất ở các nước nhiệt đới. Tình trạng này thường không có triệu chứng rõ ràng và tình cờ phát hiện khi thăm khám các bệnh lý khác, khiến điều trị chậm trễ. Nhiều người nhập viện khi bệnh tiến triển nặng, với các triệu chứng như đau kéo dài nhiều ngày, sốt cao, vàng da. Dù sỏi mật lành tính nhưng cũng có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm, tử vong nếu sốc nhiễm khuẩn đường mật.
Theo ThS.BS Trần Hữu Duy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bị sỏi mật ngoài tuân thủ điều trị của bác sĩ thì cũng cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Dưới đây là một số loại thực phẩm người bệnh nên tăng cường.
Rau củ quả
Rau củ quả khi vào cơ thể sẽ liên kết với dịch mật trong dạ dày, giúp phòng tránh viêm dạ dày. Chúng hỗ trợ điều trị sỏi mật, góp phần ngăn ngừa bệnh túi mật phát triển và tăng cường vận chuyển thức ăn qua ruột, giảm sản xuất axit mật.
Người bệnh sỏi mật có thể tăng cường ăn rau củ quả như cam, quýt, rau lá xanh đậm, cây họ đậu, ớt, cà chua... hàng ngày. Chúng không chỉ chứa nhiều chất xơ mà còn là nguồn cung cấp vitamin, magie, folate và nhiều khoáng chất khác, đóng vai trò quan trọng trong quá trình loại bỏ sỏi.

Sỏi mật gây viêm túi mật thường có biểu hiện là đau ở hạ sườn bên phải. Ảnh: Freepik
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp dồi dào chất xơ không hòa tan, giúp làm giảm hàm lượng cholesterol lipoprotein (cholesterol LDL) có hại. Điều này sẽ tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch và quá trình phòng ngừa, đào thải sỏi mật ra khỏi cơ thể. Những loại thực phẩm có nguồn gốc từ ngũ cốc nguyên hạt bao gồm bánh mì, mì ống, gạo lứt, bột yến mạch, lúa mạch...
Dầu ô liu
Dầu ô liu rất tốt cho người mắc các bệnh về túi mật, trong đó có sỏi mật. Đây là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa, lành mạnh, giúp làm sạch túi mật. Người bệnh nên kết hợp dầu ô liu với các loại rau củ quả tươi...
Thịt nạc giàu protein
Thịt được chia thành ba nhóm, bao gồm nhóm thịt ít chất béo (thịt nạc thăn), nhóm thịt có lượng chất béo vừa (thịt nạc vai) và nhóm thịt nhiều chất béo (thịt ba chỉ). Người bệnh nên ăn nhóm thịt ít chất béo và thực phẩm chứa chất béo tốt như cá mòi, cá hồi... Một số nguồn protein từ thực vật như đậu lăng, đậu phụ, đậu nành... cũng là lựa chọn tốt.

Thịt nạc thăn ít chất béo, tốt cho người bệnh sỏi mật. Ảnh: Freepik
Bên cạnh chọn nhóm thực phẩm lành mạnh, bác sĩ Duy khuyến cáo người bệnh nên cắt giảm tối đa các loại thức ăn có thể làm sỏi mật thêm nghiêm trọng. Thực phẩm nhiều đường, chất béo bão hòa, được làm từ bột mì tinh chế, chiên và chế biến sẵn... không tốt cho người bị sỏi.
Phác đồ điều trị sỏi mật sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Nếu sỏi mật có kích thước nhỏ và không chứa canxi, bác sĩ có thể cho người bệnh uống axit ursodeoxycholic để hòa tan. Thời gian dùng thuốc kéo dài tối đa hai năm. Người bệnh có thể tái phát nếu ngừng điều trị.
Trường hợp sỏi mật gây viêm túi mật, tắc nghẽn đường mật hoặc nếu sỏi đã di chuyển từ đường mật vào ruột, người bệnh có thể được điều trị bằng cách tán sỏi bằng laser. Phương pháp này dùng sóng xung kích siêu âm làm vỡ sỏi mật thành những mảnh nhỏ để chúng trôi qua đường mật, vào ruột non và đi ra khỏi cơ thể. Một phương pháp điều trị phổ biến khác là phẫu thuật cắt túi mật bằng mổ mở hoặc nội soi.
Phi Hồng