Sỏi mật có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như đau bụng, đầy bụng, buồn nôn và nôn. Sỏi mật tái phát nhiều lần gây biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, một số yếu tố nguy cơ hình thành sỏi mật bao gồm tiền sử gia đình có sỏi mật, giới tính. Phụ nữ có nguy cơ bị sỏi mật cao gấp đôi nam giới. Trọng lượng cơ thể cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi mật ở những người thừa cân và béo phì. Bên cạnh các yếu tố trên, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng giúp hạn chế loại sỏi này hình thành.
Tăng lượng chất xơ
Chất xơ giúp ích cho túi mật thông qua hỗ trợ hệ tiêu hóa. Ăn nhiều chất xơ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng túi mật bằng cách tăng chuyển động của thức ăn trong ruột. Chúng làm giảm tạo sỏi cholesterol trong túi mật. Mọi người có thể sử dụng nguồn chất xơ từ rau, trái cây, các loại ngũ cốc, các loại đậu...
Chất béo lành mạnh
Chất béo không bão hòa như omega 3 giúp bảo vệ túi mật. Nguồn chất béo lành mạnh có nhiều trong các loại hạt, dầu cá hoặc dầu hạt lanh... Nếu bạn muốn bổ sung omega 3 cần có chỉ định của bác sĩ để tránh dị ứng hoặc gây tác dụng phụ khác.
Chế độ ăn giảm cân
Nếu bạn thừa cân hãy đặt mục tiêu giảm cân từ từ bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và tập thể dục thường xuyên. Tiến sĩ Khanh dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy, có mối liên hệ giữa giảm cân nhanh chóng và việc hình thành sỏi mật. Chế độ ăn kiêng có thể khiến gan giải phóng nhiều cholesterol vào mật, phá vỡ sự cân bằng bình thường của cholesterol và muối mật.
Ăn chay
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients, chế độ ăn chay làm giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi chế độ ăn uống của gần 4.840 người tham gia, đánh giá mức cholesterol và tỷ lệ mắc sỏi mật. Phụ nữ áp dụng chế độ ăn kiêng và không ăn chay có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn so với những phụ nữ áp dụng chế độ ăn chay. Phụ nữ bị tăng cholesterol máu có nguy cơ mắc sỏi mật cao gấp 4 lần so với phụ nữ ăn chay có mức cholesterol bình thường. Chế độ ăn chay làm giảm cholesterol thông qua việc tăng lượng chất xơ và có thể bảo vệ cơ thể chống lại các nguy cơ khác như kháng insulin và béo phì.
Cà phê
Uống cà phê vừa phải sẽ tốt cho chức năng của túi mật. Cà phê kích thích hoạt động của bàng quang và hoạt động của ruột. Uống với lượng vừa phải giúp cân bằng một số hóa chất làm ổn định hệ tiêu hóa.
Tránh thực phẩm chứa chất béo bão hòa cao và carbohydrate
Tiến sĩ Khanh lưu ý, carbohydrate tinh chế tăng rủi ro rối loạn túi mật. Một nghiên cứu cho thấy, ăn 40 g đường trở lên mỗi ngày làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc các triệu chứng sỏi mật. Carbohydrate (tinh bột và chất tạo đường) cần tránh bao gồm bột mì trắng, ngũ cốc tinh chế, đường và chất làm ngọt, đồ nướng sẵn như bánh quy, bánh ngọt, kẹo và chocolate...
Túi mật sản xuất mật giúp cơ thể tiêu hóa chất béo. Ăn nhiều chất béo, nhất là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể gây thêm gánh nặng cho quá trình này. Những người tiêu thụ nhiều thịt đỏ, thịt chế biến, đồ chiên rán, sản phẩm sữa đầy đủ chất béo, thức ăn nhanh... có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn. Thay đổi chế độ ăn uống sẽ không loại bỏ được sỏi mật có sẵn. Tuy nhiên, ăn nhiều chất dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh và hạn chế lượng chất béo bão hòa và thực phẩm nhiều cholesterol có thể giúp giảm các triệu chứng.
Lục Bảo