Theo ThS.BS Đặng Thành Đô, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội: Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh thường gặp, có thể dự phòng và điều trị được, đặc trưng bởi tắc nghẽn đường thở, tiến triển nặng dần. Bệnh có biểu hiện: ho khạc đờm mạn tính, khó thở tăng dần. Tình trạng tắc nghẽn này là hậu quả của quá trình viêm tại phổi do tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, bụi các chất khói khí độc hại.
Bác sĩ Đô cho biết nhiều nghiên cứu cho thấy hai yếu tố là thiếu oxy máu thường xuyên và tác động của gốc tự do sản sinh từ khói thuốc lá sẽ làm gia tăng tình trạng viêm ở phổi ở người bị COPD dẫn đến nồng độ các các chất hóa học gây viêm trong cơ thể tăng lên. Các chất này gây chán ăn, sốt, đồng thời thúc đẩy sự hình thành của các cytokine làm tăng tiêu hao năng lượng, phân giải protein. Dần dần, người bệnh giảm khả năng vận động, tình trạng mất khối cơ khối mỡ ngày càng trầm trọng.
Ngoài, ra đa số bệnh nhân COPD có sử dụng corticoid, chính chất này cũng góp phần tăng thoái hóa đạm, giảm hấp thu Calci-D, kali, giữ muối và làm tăng cholesterol. Tất cả yếu tố trên làm chất lượng cuộc sống bệnh nhân COPD ngày càng giảm, nguy cơ nhập viện tăng, thời gian nằm viện kéo dài, tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong tăng cao.
"Khoảng 80-90% người bị COPD có hút thuốc lá và khoảng 74% bệnh nhân COPD bị suy dinh dưỡng. Trong khi đó tình trạng suy dinh dưỡng là một trong số yếu tố quan trọng quyết định tiên lượng sống còn của bệnh nhân COPD", bác sĩ Đô đánh giá.
![Tình trạng suy dinh dưỡng quyết định tiên lượng sống còn của người bệnh COPD](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/08/COPD-1-3128-1646721513.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4MmWcrNY7ulvWXCHm4JXag)
Tình trạng suy dinh dưỡng quyết định tiên lượng sống còn của người bệnh COPD. Ảnh: ShutterStock
Theo bác sĩ Thành Đô, để hạn chế suy dinh dưỡng ở người bệnh COPD, chế độ ăn uống của người bệnh cần được quan tâm chặt chẽ. Bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân COPD sau đây.
Thực phẩm nên ăn
Thực phẩm giàu protein: Các thực phẩm giàu protein, chất lượng cao như thịt gia cầm, thịt các loài động vật ăn cỏ, trứng. Một số thực phẩm giàu protein khác tốt cho phổi như cá thu, cá hồi, cá mòi...
Carbohydrate phức hợp: Các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, chứa carbohydrate hỗn hợp, giúp cải thiện chức năng của hệ thống tiêu hóa, đồng thời giúp người bệnh COPD kiểm soát tốt lượng đường trong máu như: khoai tây nguyên vỏ, hạt diêm mạch, lúa mạch, yến mạch, đậu Hà Lan, và các loại đậu...
Sản phẩm tươi: Rau quả tươi, trái cây là những chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng, giúp cơ thể người bệnh COPD luôn khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng. Trong rau, quả tươi chứa các vitamin, khoáng chất và chất xơ thiết yếu.
Bác sĩ Đô lưu ý thêm, với những bệnh nhân COPD dùng nhiều corticoid sẽ làm tăng nhu cầu canxi, do đó, cần cân nhắc việc bổ sung canxi. Người bệnh nên tìm các loại thực phẩm có chứa vitamin D, canxi carbonat hoặc canxi citrate. Trước khi bổ sung bất kỳ loại vitamin nào vào thói quen ăn uống, người bệnh nên thảo luận với bác sĩ.
Thực phẩm giàu kali: Ion kali có vai trò quan trọng đối với chức năng phổi. Thiếu hụt kali có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Do đó, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tích cực bổ sung những thực phẩm giàu kali như: các loại rau xanh lá đậm, bơ, măng tây, cà chua, củ dền, chuối, cam...
Chất béo lành mạnh: Chất béo lành mạnh có nguồn gốc từ cá và thực vật như: bơ, dầu dừa, ô liu, cá béo và các loại hạt... giúp hạn chế việc gia tăng lượng CO2 trong máu đối với người bệnh COPD. Đồng thời nhóm chất này cũng cung cấp nguồn năng lượng cao và dinh dưỡng tổng thể nhiều hơn nếu dùng liên tục trong thời gian dài.
Với những chất béo có nguồn gốc từ gà, vịt hoặc động vật có vú như heo, bò... người bệnh COPD không nên sử dụng quá 300mg/ngày.
Uống đủ nước: Bên cạnh các thực phẩm có lợi, việc cung cấp một lượng nước đầy đủ cho cơ thể (từ 2-3 lít mỗi ngày) có tác dụng hạn chế táo bón, giúp các chất nhầy trở nên loãng và dễ dàng loại bỏ hơn khi ho, khạc.
Những thực phẩm nên kiêng
Theo bác sĩ Đô, với người bệnh COPD, nếu không lựa chọn thực phẩm cẩn thận có thể gây ra các vấn đề về đầy hơi, tạo khí... ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trong đó, nên hạn chế dùng những thực phẩm dưới đây.
![Muối gây ra tình trạng giữ nước, ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân COPD](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/08/copd-3-5052-1646721513.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=obwIxKj3l5kJ3SYLFyygbw)
Muối gây ra tình trạng giữ nước, ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân COPD. Ảnh: ShutterStock
Muối: Được xem là nguyên nhân chính gây ra tình trạng giữ nước, làm ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp, tăng gánh nặng cho tim của người bệnh COPD. Phần lớn lượng natri đến từ muối hoặc có sẵn trong các thực phẩm hàng ngày. Vì vậy, người bệnh cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi sử dụng thực phẩm. Theo bác sĩ Đô, trong mỗi phần ăn nhẹ không nên chứa quá 3g natri và toàn bộ các bữa ăn trong ngày không nên vượt quá 6g natri. Có thể thay thế muối bằng các loại thảo mộc, gia vị không chứa muối.
Một số loại trái cây: Một số trái cây có hạt cứng như: đào, mơ, dưa... có thể gây ra tình trạng đầy hơi do carbohydrate bị lên men trong đường tiêu hóa. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về đường hô hấp ở những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Các loại rau và cây họ đậu: Cải bắp, cải Brussel, bắp (ngô), súp lơ, đậu lăng, tỏi tây, hành... có thể tạo khí gas, gây ra tình trạng đầy hơi khi sử dụng. Do đó, người bệnh COPD nên kiêng các loại rau này trong chế độ ăn của mình.
Một số sản phẩm từ sữa: Đối với một số trường hợp, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa như phô mai, bơ... có thể làm các chất nhầy trở nên đặc hơn. Đây cũng được xem là nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể sử dụng sửa một cách điều độ trong chế độ ăn của mình nếu không gặp tình trạng đờm nghiêm trọng.
Chocolate: Trong chocolate có chứa nhiều caffeine. Đây được xem là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến những loại thuốc dùng để điều trị COPD. Do đó, tùy vào tình trạng cụ thể mà người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên hạn chế sử dụng chocolate hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng một cách hợp lý nhất.
Đồ chiên: Thức ăn nhanh, thực phẩm chiên, xào, nhiều dầu mỡ... chứa nhiều chất béo không lành mạnh. Những thực phẩm này có thể gây ra tình trạng đầy hơi, khó tiêu, ảnh hưởng đến hơi thở của mọi người nói chung và người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nói riêng.
Cà phê, trà, nước tăng lực: Người bệnh COPD cũng nên hạn chế tối đa những loại nước uống có chứa caffeine (cà phê, trà, soda, nước tăng lực...) và đồ uống có cồn. Những thực phẩm này có thể phản ứng, gây ảnh hưởng đến thuốc điều trị tắc nghẽn mạn tính, làm chậm nhịp thở và khiến người bệnh khó khạc ra chất nhầy; hạn chế sử dụng nước uống có ga gây khó tiêu, tức bụng dẫn tới khó thở.
![Ngoài những lưu ý về thực phẩm, kế hoạch bữa ăn và tư thế ngồi ăn với bệnh nhân COPD cũng khá quan trọng.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/08/copd-2-7000-1646721513.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hEetR5EKgS_UZUV5R-GmAA)
Ngoài những lưu ý về thực phẩm, kế hoạch bữa ăn và tư thế ngồi ăn với bệnh nhân COPD cũng khá quan trọng. Ảnh: ShutterStock
Theo khuyến cáo từ các bác sĩ, bệnh nhân COPD nên chia nhỏ bữa ăn, thành 5–6 bữa nhỏ trong một ngày. Điều này hạn chế làm đầy dạ dày một cách quá mức, giúp phổi có đủ chỗ để mở rộng, từ đó việc thở sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thực phẩm nên được làm nhừ để dễ nhai, tránh tình trạng phải gắng sức khi ăn. Khi ăn, nên ăn từng miếng nhỏ, nhai chậm và kỹ.
Người bệnh COPD nên cố gắng dùng bữa chính sớm nhất có thể khi bắt đầu một ngày mới. Điều này giúp bạn có thêm nhiều năng lượng để hoạt động trong suốt cả ngày dài.
Tư thế khi ăn cũng là một điều mà người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD cũng cần lưu ý. Khi ăn, bạn nên ngồi trên một chiếc ghế cao, thẳng lưng để hạn chế áp lực từ ổ bụng ép lên cơ hoành gây ra tình trạng khó thở.
ThS.BS Đặng Thành Đô cũng lưu ý, những người bị viêm phế quản mạn tính thường có xu hướng béo phì thì những người mắc khí phế thũng lại thiếu cân. Do đó, việc đánh giá chế độ ăn uống và dinh dưỡng được xem là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Với những người bệnh thuộc nhóm béo phì và thiếu cân nên hỏi ý kiến bác sĩ về tình trạng của mình để có những điều chỉnh phù hợp.
Anh Chi