Trả lời:
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn đi du lịch có nguy cơ khởi phát các đợt cấp, dễ nhiễm bệnh lây truyền... Tuy nhiên, nếu chuẩn bị kỹ, người bệnh vẫn có thể tận hưởng kỳ nghỉ cùng gia đình.
Để đảm bảo có chuyến đi an toàn, người bệnh nên đi khám để bác sĩ đánh giá sức khỏe có thể di chuyển xa không. Người COPD nên đi du lịch khi sức khỏe ổn định hoặc sau khi đợt cấp ít nhất một tháng.
Người bệnh hô hấp có thể đi chơi xa khi thời tiết ấm áp, ít đông đúc để hạn chế nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm như cúm A, cúm B, Covid-19, RSV... Hoạt động gắng sức dễ khiến các đợt cấp xuất hiện, gây nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, bố bạn ưu tiên du lịch ngắn ngày, nghỉ dưỡng, ít di chuyển.
Giảm chức năng thông khí của phổi là đặc trưng của người bệnh hô hấp mạn tính. Khi lượng oxy không đủ bù đắp, người bệnh cảm thấy khó thở, mệt, chóng mặt, đau đầu, tim đập nhanh, tức ngực, thậm chí ngất xỉu. Trong khi đó, khoang máy bay được điều áp khi ở độ cao lớn, ít oxy hơn dễ khiến người bệnh giảm oxy máu.
Người bệnh cần thông báo với hãng hàng không về tình trạng bệnh. Người có nhiều kén khí tại phổi (túi khí hình thành bất thường do sự giãn nở các phế nang phổi) có nguy cơ tràn khí màng phổi, hạn chế những chuyến đi bằng máy bay.
Các vùng núi cao có không khí loãng, nhiệt độ khá lạnh khi về đêm tăng nguy cơ khó thở, mệt mỏi làm khởi phát đợt cấp bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người bệnh chọn du lịch ở địa hình bằng phẳng, dễ di chuyển.
Ngoài các giấy tờ hành chính phục vụ di chuyển, người bệnh phổi mạn tính cần mang theo thuốc điều trị hàng ngày, chuẩn bị thêm thuốc đề phòng đợt cấp xuất hiện bất ngờ. Bạn nên tìm hiểu thông tin về cơ sở y tế, nhà thuốc xung quanh nơi du lịch để dự phòng cho bố. Lưu thông tin hồ sơ bệnh án, đơn thuốc giúp bác sĩ có thông tin sức khỏe, chỉ định phù hợp trong trường hợp hỗ trợ y tế.
Trong thời gian du lịch, người bệnh mang khẩu trang khi đến các địa điểm đông người. Nên rửa tay với xà phòng hoặc nước sát khuẩn sau khi ra ngoài, sau khi đi vệ sinh và trước bữa ăn.
Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |