Trả lời:
Bướu cổ (bướu tuyến giáp) là tình trạng kích thước tuyến giáp tăng lên, sưng to bất thường do tế bào tuyến giáp phát triển quá mức hoặc không đồng đều. Có 3 loại bướu cổ là bướu cổ lành tính (bướu đơn thuần), bướu cổ ác tính và bướu cổ do cường giáp. Phần lớn bướu cổ lành tính, điều trị bằng thuốc, uống phóng xạ phẫu thuật. Trường hợp bướu tuyến giáp ác tính, người bệnh cần điều trị theo phác đồ do bác sĩ chỉ định. Các bướu giáp ác tính có thể điều trị khỏi, nhất là ở giai đoạn sớm (chưa di căn).
Cùng với các phương pháp điều trị của bác sĩ, người bệnh cần hạn chế dùng một số món ăn để đảm bảo hiệu quả điều trị, tránh chuyển biến nặng hoặc tái phát. Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh tuyến giáp nên hạn chế để cải thiện tình trạng bệnh.
Thực phẩm có chứa đường (đồ ngọt): Thực phẩm chế biến như bánh quy, bánh ngọt, kẹo, đồ ngọt, đồ uống có đường, đồ ăn nhẹ đóng gói, có chứa đường tinh luyện ảnh hưởng nhiều đến bệnh tuyến giáp, lượng đường trong máu tăng cao, dẫn đến tăng cân và các bệnh lý khác. Ngoài ra, tuyến tụy, gan cũng có thể bị tổn hại khi ăn quá nhiều đường tinh luyện.
Người bệnh tuyến giáp không nên ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn như trái cây ngâm, rau củ ngâm... Thay vào đó, người bệnh có thể ăn những thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, protein nạc (gà không da, cá...).
Nội tạng: Người bệnh tuyến giáp nên hạn chế ăn nội tạng động vật vì chứa hàm lượng axit lipoic khá cao ảnh hưởng đến một số loại thuốc tuyến giáp trong quá trình điều trị. Nếu ăn quá nhiều, tuyến giáp dễ rối loạn.
Chất xơ dư thừa từ các loại đậu và rau: Ăn đủ chất xơ tốt cho cơ thể nhưng ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị suy giáp. Người lớn từ 50 tuổi trở xuống nên bổ sung từ 25-38 g chất xơ mỗi ngày. Lượng chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, các loại đậu vượt quá mức sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, cản trở sự hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Nếu người bệnh ăn kiêng, các món ăn có nhiều chất xơ thì cần hỏi ý kiến bác sĩ để tăng liều thuốc tuyến giáp cao hơn vì có thể cơ thể không hấp thụ thuốc hiệu quả.
Một số loại trái cây đào, lê, dâu tây: Nhiều trái cây như dâu tây, đào, lê rất hấp dẫn nhưng không tốt cho người bệnh tuyến giáp. Người bệnh có thể chọn những loại trái cây khác thay thế như việt quất, anh đào, cam, quýt... giàu chất chống oxy hóa, giúp cải thiện tình trạng tuyến giáp, không gây bướu cổ.
Cà phê, bia rượu: Thực phẩm, đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà, soda, chocolate... có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng cường giáp, khiến cơ thể cảm thấy khó chịu, tim đập nhanh. Nếu có những triệu chứng này, người bệnh nên tránh uống hoàn toàn hoặc uống ít. Ngoài ra, người bệnh có thể thay thế bằng nước ép, rượu táo nóng, trà thảo mộc tự nhiên...
Rượu có thể gây ức chế chức năng tuyến giáp, làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp. Uống rượu thường xuyên hoặc nhiều sẽ làm hư hại các tế bào tuyến giáp, giảm tổng lượng hormone tuyến giáp (T3, T4) trong máu, gây ra chứng suy giáp.
Ngoài tuân thủ theo chế độ dùng thuốc và ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh cần tái khám định kỳ với bác sĩ khoa nội tiết - đái tháo đường. Việc tái khám giúp bác sĩ tầm soát biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
BS.CKI Trần Đông Hải
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM