Ngủ ngáy là tình trạng các mô mềm ở vòm họng rung lên khi có luồng không khí đi qua, tạo thành âm thanh trong lúc ngủ. Tiếng ngáy có thể rất nhỏ hoặc đủ ồn để ảnh hưởng đến người xung quanh.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết hầu như mọi người đều thỉnh thoảng ngáy ngủ, thường gặp ở người lớn tuổi, thừa cân, béo phì, hay uống rượu và thuốc an thần, tắc nghẹt mũi mạn tính, hàm nhỏ hoặc lẹm về phía sau. Người có cấu trúc mũi họng bất thường như amidan lớn, lệch vách ngăn mũi, lưỡi to, vòm khẩu cái mềm mở rộng, hẹp hầu bên... cũng dễ ngáy.
Tần suất ngủ ngáy không thường xuyên thì không cần điều trị. Trường hợp ngủ ngáy xuất hiện thường xuyên, dấu hiệu cảnh báo viêm mũi xoang, u vòm họng, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) cần điều trị.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là bệnh nguy hiểm và phổ biến nhưng ít người biết, theo bác sĩ Ngân. Đây tình trạng đường hô hấp trên bị tắc nghẽn nhiều lần trong khi ngủ, làm giảm hoặc ngừng hoàn toàn luồng không khí đi vào phổi, giảm bão hòa oxy trong máu. Thời gian ngừng thở và giảm thở thường trên 10 giây, sau đó người bệnh bị kích thích tỉnh giấc đột ngột với cơn thở gấp.
Ngoài ngáy ngủ, người mắc hội chứng này còn khô miệng, tiểu đêm, hay thức giấc giữa đêm, mệt mỏi sau ngủ dậy, đau đầu, mất tập trung, buồn ngủ vào ban ngày, giảm trí nhớ, giảm khả năng tình dục... Điều này dẫn tới suy giảm chất lượng sống, hiệu suất công việc kém đi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Người bệnh cũng có khả năng mắc nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp khó kiểm soát, rối loạn chuyển hóa, đột tử nếu không được điều trị.
Bác sĩ Ngân cho biết nhiều người ngủ ngáy có ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, chỉ số ít được chẩn đoán và điều trị. Hầu hết trường hợp không nhận biết sớm cho đến khi tiếng thở hoặc tiếng ngáy bất thường khiến người bên cạnh chú ý.
Người có thói quen ngủ ngáy nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa hô hấp khám. Ngoài thực hiện một số xét nghiệm; nội soi tai mũi họng; bác sĩ chỉ định đo đa ký giấc ngủ hoặc đa ký hô hấp để chẩn đoán nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của ngủ ngáy.
Nếu chỉ ngủ ngáy đơn thuần hoặc ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định thay đổi lối sống để giảm triệu chứng như tập thể dục giảm cân (nếu thừa cân); hạn chế tối đa uống rượu bia, cafe trước khi đi ngủ; bỏ hút thuốc; nằm nghiêng khi ngủ; tránh dùng thuốc an thần, chống lo âu... Nếu ngủ ngáy do các vấn đề về mũi xoang, bệnh lý ở miệng họng... cần điều trị triệt để bằng thuốc uống hoặc thuốc xịt tại chỗ.
Nếu các biện pháp thay đổi lối sống không hiệu quả hoặc chứng ngưng thở ở mức độ trung bình đến nặng, người bệnh được chỉ định phương pháp điều trị khác. Tùy vào căn nguyên gây hẹp đường thở, người bệnh có thể cần đeo dụng cụ hỗ trợ mở rộng đường thở như dụng cụ giữ lưỡi, thiết bị kéo xương hàm dưới...
Bác sĩ Ngân cho biết thở máy áp lực dương liên tục (autoCPAP) cũng là phương pháp mang lại hiệu quả cao. Người bệnh được đeo mặt nạ che mũi hoặc cả mũi và miệng. Máy tạo áp suất không khí và duy trì liên tục giúp giữ cho đường hô hấp trên luôn mở, ngăn ngừa hẹp hoặc xẹp đường hô hấp trên trong khi ngủ. Dưới sự theo dõi chặt chẽ từ xa của bác sĩ, khoảng 97% người bệnh có thể hết ngủ ngáy khi điều trị với máy thở, kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, khoa học.
Trường hợp bệnh nhân không dung nạp với máy thở hoặc có bất thường vùng mũi họng như phì đại amidan, lệch vách ngăn mũi... cần phẫu thuật cắt amidan, nạo VA hoặc phẫu thuật chỉnh màn hầu, sửa vách ngăn.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo hiện chưa có thuốc đặc trị ngủ ngáy. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Tự ý dùng thuốc có thể khiến vấn đề hô hấp, tai mũi họng tiến triển nặng.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |