Chị Linh đến Bệnh viện Tâm Anh TP HCM khám khi thuốc ngủ có dấu hiệu mất tác dụng. Chị uống tăng liều so với trước vẫn khó vào giấc.
Ngày 9/8, BS.CKII Thân Thị Minh Trung, Phó khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết chị Linh bị nhờn thuốc ngủ do sử dụng thuốc kéo dài. Chị là một trong rất nhiều người bệnh phụ thuộc thuốc ngủ, không tự ngưng được. Mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận hơn 200 người đến khám, điều trị mất ngủ, 70% trường hợp dùng thuốc ngủ tại nhà, tùy mức độ. Trong đó, khoảng 20% người bệnh 20-30 tuổi bị mất ngủ, khó ngủ do công việc hoặc thói quen giải trí chưa phù hợp.
Bác sĩ Minh Trung lưu ý mỗi loại thuốc ngủ có cấu trúc hóa học, tác dụng dược lý riêng, cần sử dụng thận trọng theo đúng chỉ định để tránh tác dụng phụ. Thuốc ngủ chỉ được kê đơn cho những trường hợp cần thiết, trong thời gian ngắn. Thực tế các loại thuốc này khá dễ mua. Trái ngược với mong muốn có được giấc ngủ ngon, người dùng dần bị lệ thuộc thuốc.
"Khi dùng thuốc ngủ kéo dài, người bệnh phải tăng liều mới ngủ được, lâu dần nghiện thuốc ngủ", bác sĩ Minh Trung nói, thêm rằng nếu lạm dụng không chỉ gây nhờn thuốc mà còn gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, suy hô hấp, trào ngược dạ dày, ngã, rối loạn giấc ngủ kéo dài, tử vong. Điều trị cho người bệnh nhờn thuốc ngủ thường mất nhiều thời gian.
Trường hợp chị Linh, bác sĩ chỉ định phối hợp nhiều phương pháp điều trị bao gồm giảm dần thuốc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thay đổi lối sống khoa học. Chị được kết hợp điều trị bằng kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ trong 4 tuần, gồm hai đợt cách nhau một đến hai tháng. Đây là kỹ thuật không xâm lấn, không gây đau cho người bệnh. Sóng điện từ có thể đi xuyên qua hộp sọ người bệnh, tác động vào các tế bào thần kinh ở vùng não chi phối giấc ngủ, cảm xúc. Từ đó, làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não tương ứng, giúp tái tạo đường liên hệ giữa các vùng chức năng bên trong não.
Kết quả sau hơn hai tháng, chị Linh ngủ ngon và không cần thuốc ngủ. Mỗi đêm chị ngủ đủ 7-8 tiếng, không còn trằn trọc, tinh thần cải thiện.
Bác sĩ Minh Trung khuyến cáo người mất ngủ hoặc căng thẳng, lo âu, stress... dẫn đến ngủ không ngon giấc cần đến bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn điều trị. Bác sĩ có thể khám, khai thác tiền sử bệnh hoặc đánh giá chuyên sâu bằng nhiều kỹ thuật, xét nghiệm, chụp chiếu.
Trong đó, kỹ thuật đo đa ký giấc ngủ giúp khảo sát đầy đủ thông số về điện não, chuyển động mắt, trương lực cơ, nhịp tim, chuyển động chân, cử động thở, độ bão hòa oxy... của người bệnh trong suốt quá trình ngủ. Qua đó, chẩn đoán chính xác các bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ như động kinh trong khi ngủ, ngưng thở khi ngủ, mộng du, chứng ngủ rũ, hội chứng chân không yên...
Tùy theo nguyên nhân, mức độ bệnh và các yếu tố đi kèm, bác sĩ có thể phối hợp nhiều phương pháp điều trị mất ngủ theo phác đồ đa mô thức, cá thể hóa nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh. Trong đó, kích thích từ trường xuyên sọ là kỹ thuật hiện đại, giúp điều trị hiệu quả tình trạng mất ngủ và nhiều bệnh lý thần kinh khác. Bác sĩ có thể chỉ định kết hợp phương pháp này để điều trị tình trạng phụ thuộc thuốc ngủ. Liệu trình có thể lặp lại tùy trường hợp.
Người bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc cần thay đổi thói quen sinh hoạt, luyện tập thể dục thể thao, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để góp phần cải thiện tình trạng. Chỉ sử dụng thuốc ngủ theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc vì dễ phụ thuộc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Bình An
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |