Giấc ngủ là quá trình sinh lý quan trọng và phức tạp, cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh. Ngược lại, các bệnh thần kinh cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ.
ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh lý thần kinh có thể gây mất ngủ, khó ngủ theo nhiều cách. Các vấn đề thần kinh như hội chứng chân không yên, co giật, động kinh khi ngủ, ngưng thở khi ngủ tạo ra những kích thích hay thay đổi khó chịu, từ đó gián đoạn giấc ngủ liên tục. Một số bệnh thần kinh khác cũng làm rối loạn nhịp sinh học gây khó ngủ vào ban đêm như rối loạn phổ tự kỷ, đau đầu... Rối loạn giấc ngủ lâu ngày tác động làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, động kinh và ảnh hưởng đến chức năng nhận thức như học tập, trí nhớ.
Chẩn đoán chính xác rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân mắc các bệnh về thần kinh thường khó khăn do các triệu chứng chồng chéo, tác động qua lại lẫn nhau, theo bác sĩ Đính. Đo đa ký giấc ngủ thường được chỉ định để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ. Phương pháp này góp phần thăm dò, ghi lại các thông số, thay đổi diễn ra trong giấc ngủ.
Các xét nghiệm khác bao gồm xét nghiệm sàng lọc các chất kích thích hoặc các loại thuốc có thể làm tăng mức độ tỉnh táo và rối loạn giấc ngủ, kiểm tra độ trễ giấc ngủ để xác định mức độ buồn ngủ, khả năng tỉnh táo...
Đo đa ký giấc ngủ sử dụng nhiều kênh điện cực khác nhau để đánh giá chức năng sinh lý của giấc ngủ. Kênh điện não nhằm đo lường thay đổi sóng điện não trong giấc ngủ. Kênh điện cực mắt theo dõi cử động mắt trong khi ngủ. Kênh điện cơ theo dõi cử động cơ. Kênh thông số hô hấp đo nhịp thở, lượng oxy máu, nhịp tim, huyết áp...
Máy đo đa ký thường có 8 kênh điện cực tiêu chuẩn, có thể mở rộng lên 16, 21 điện cực, giúp chẩn đoán các bệnh lý thần kinh gây rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ. Các điện cực có thể thay đổi vị trí để tương thích với các phác đồ chẩn đoán bệnh khác nhau. Máy cũng có hệ thống video hoặc âm thanh ghi lại quá trình giấc ngủ.
Điều trị rối loạn giấc ngủ thường kết hợp đa mô thức, nhiều liệu pháp khác nhau như dùng thuốc, liệu pháp hành vi, vệ sinh giấc ngủ, ăn uống, vận động.
Các kỹ thuật như kích thích từ trường xuyên sọ dùng sóng điện từ tác động vào các vùng não tương ứng cũng là giải pháp điều trị rối loạn giấc ngủ. Đối với các bệnh liên quan đến hô hấp như ngưng thở khi ngủ, phương pháp CPAP (áp lực đường thở dương liên tục) thường được sử dụng.
Theo bác sĩ Đính, sự hợp tác giữa các nhà thần kinh học và chuyên gia về giấc ngủ rất quan trọng để tăng cường xác định và can thiệp sớm chứng rối loạn giấc ngủ, các bệnh thần kinh.
Tâm An
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |