Đọc bài viết "Trường chuyên quan trọng như bệnh viện chuyên khoa" tôi có suy nghĩ khác với tác giả Thanh. Nói về bệnh viện, quan điểm của tôi là nên phát triển mạnh các bệnh viện ở địa phương, cả đa khoa hay chuyên thì cũng thế, để mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng. Việc tập trung nguồn lực vào các bệnh viện lớn ở tuyến trung ương, hay các thành phố lớn, dẫn tới hậu quả là sự quá tải cả trong bệnh viện lẫn các vấn đề khác trong cuộc sống xoay quanh điều trị bệnh. Những bệnh viện chuyên sâu chỉ nên là nơi nghiên cứu, điều trị những ca mới, khó.
Vấn đề giáo dục cũng vậy. Hãy dàn trải đồng đều để ai cũng có thể tiếp cận được nếu muốn. Thay vì trường chuyên chỉ tập trung một trường ở thành phố, sao không xây dựng một chương trình chuyên ở mọi trường, học sinh nào muốn học thì tham gia. Người giỏi có thể xuất thân từ mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Tại sao phải thi thố, tuyển chọn? Một ngôi trường chuyên ở một tỉnh cũng chỉ có khả năng tuyển sinh một số lượng nhất định.
Trong một kỳ thi, nhiều học sinh được điểm cao thì điểm tuyển vào nâng lên cho tới khi loại đủ số lượng. Ngược lại, điểm thấp thì mức sàn lại hạ xuống cho tới khi đủ số lượng. Làm sao để nhiều người giỏi có thể tiếp cận được chương trình chuyên, giả sử nó vô cùng hữu ích cho việc đào tạo nhân tài như mọi người đã nói?
Trường chuyên có điều kiện học tập vô cùng tốt so với trường thường. Giáo viên giỏi, cơ sở vật chất được đầu tư. Chỉ cần thế thôi, đã đủ thu hút mọi học sinh tham gia ứng tuyển. Cộng thêm những thành công từ những một vài cá nhân danh tiếng, những tư tưởng khuyến học, đề cao thành tích..., đủ tạo nên một sức hút thần kỳ.
Vậy trường chuyên, lớp chọn đã tác động đến xã hội như thế nào? Với những người học chuyên, phần lớn họ chẳng có gì để chê cả, vì mọi so sánh với trường thường đều hơn hẳn. Nhưng cái tốt thì cũng chỉ tốt cho bản thân của họ, được học tập trong một môi trường chất lượng, dễ dàng vào đại học hơn, dễ đi du học hơn, rồi ra trường với một tấm bằng, một mức lương trên trung bình so với xã hội, và rồi cái nhìn ngưỡng mộ từ xã hội.
>> 'Tôi cho con học trường chuyên vì môi trường toàn người giỏi'
Ai có thể tiếp cận trường chuyên? Đúng là ai cũng có thể đăng ký thi. Nhưng cho hỏi bao nhiêu bạn thi chuyên mà không cần ôn thi, luyện đề? Những chương trình ôn thi đó từ đâu mà có? Rồi lại sẽ có người nói "người thường thì nhìn đề không hiểu gì đâu". Xin hỏi bao nhiêu bạn học chuyên, chọn nhìn đề một lần là biết làm mà không cần ôn luyện?
Thế nào là tài năng? Với nhiều người, tài năng bộc lộ ra rất dễ nhận biết. Số còn lại, nếu như là giáo dục ở ta, thì phải dựa vào điểm số, các kỳ thi để quyết định.
Nhưng thử hỏi chúng ta sẽ làm gì ngoài cuộc sống với những kiến thức phức tạp, chuyên sâu như yêu cầu tuyển chọn vào trường chuyên?
Tôn thờ trường chuyên, lớp chọn, điểm số... nói chung là căn bệnh thành tích.
Chỉ cần đọc qua các bình luận bảo vệ trường chuyên, có thể thấy 95% đều có chung ý là "không đủ sức vào chuyên, chọn nên mới ghen tỵ, đòi bỏ, không hiểu chuyên là gì vì không có cơ hội trải nghiệm". Cũng chẳng thiếu các ý kiến cho rằng "mình giỏi nên xứng đáng một môi trường tốt hơn, được đối xử tốt hơn".
Đúng là xét ở khía cạnh cá nhân, trường chuyên mang lại lợi ích cho một số người, nhưng nếu nhìn ở phạm vi xã hội, đó lại là một chuyện khác. Và đó mới là thứ mà những người làm giáo dục cần hướng tới.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.