Hiện, cả nước có 78 trường chuyên (bảy trường thuộc đại học, còn lại thuộc tỉnh, thành phố). Nhiều chuyên gia cho rằng nên đóng cửa trường chuyên hoặc bán cho tư nhân, trong khi số khác lại bảo lưu quan điểm nên giữ lại.
Bản thân từng học ở một trường chuyên của tỉnh nên tôi cho rằng không thể bắt các học sinh có năng lực vượt trội phải theo chương trình giáo dục chung (nếu xóa bỏ trường chuyên). Thực tế, nhiều học sinh trường chuyên đã đóng góp rất nhiều cả thành tích trong quá trình học tập và cống hiến cho xã hội sau khi ra trường. Nhiều người trong số cựu học sinh trường chuyên mà tôi biết đều đã chứng minh được năng lực bằng những thành tựu cụ thể. Vấn đề là chúng ta cần xây dựng cơ chế tuyển chọn và đào tạo ở hệ chuyên sao cho hiệu quả và chất lượng.
Khi còn là học sinh chuyên, tôi để ý thấy mỗi khi có giáo viên ở trường khác chuyển về, chưa quen, dạy chậm một chút là đã khiến chúng tôi đã cảm thấy không thích. Vì tư duy của học sinh chuyên rất nhanh, những kiến thức cơ bản chỉ cần nói qua là tất cả đã có thể nắm được. Thậm chí nhiều bạn tự học ở nhà cũng đã nắm bắt được 80% kiến thức trong sách rồi. Thế nên, bản thân các học sinh chuyên luôn khao khát được mở rộng và nâng cao kiến thức của bản thân, chứ không phải chỉ dừng lại ở mức cơ bản.
Trong trường chuyên, học sinh chúng tôi được dạy theo hướng gợi mở. Ví dụ như tôi học chuyên, từ năm 1996, khi làm đề về Lịch sử, cô giáo chỉ cho sẵn duy nhất mấy chữ số liệu ngày, tháng, năm. Còn sau đó viết gì là tùy vào tư duy của học sinh. Tôi không biết các trường chuyên khác có dạy như thế không nhưng tôi tin mình đã được giáo dục theo một phương pháp phù hợp và tốt nhất.
>> Đào tạo 'gà nòi' đỗ trường chuyên
Nếu như bỏ trường chuyên, bắt các em học sinh như tôi phải thụ hưởng chương trình giáo dục đại trà giống các trường thường khác, như thế chẳng phải là lãng phí cơ hội của các cá nhân có năng lực vượt trội này hay sao? Điều đó cũng như việc chúng ta không trân trọng tiềm năng của các em. Tại sao chúng ta cứ phải bàn chuyện bỏ trường chuyên để công bằng? Tôi nghĩ đó không phải công bằng, mà là cào bằng trong giáo dục.
Chọn chuyên ngành nào để quyết định thi vào khi lên Đại học liên quan đến kỹ năng tư vấn và định hướng cho các em. Chuyên Sinh, Sử, hay Địa cũng đều có những khối hoặc ngành liên quan ở bậc Đại học để sử dụng và tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, nên không có chuyên ngành nào là phí phạm. Việc định hướng một cách khoa học, đúng và trúng năng lực, cũng như nguyện vọng của các em là trách nhiệm của của những người làm chính sách và người lớn chúng ta.
Ví dụ như tôi học chuyên Văn, khi lên Đại học, tôi không học tiếp chuyên ngành này, mà thi vào Đại học Luật. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là những năm học chuyên ở phổ thông của tôi bị bỏ phí. Tôi thấy những kỹ năng và kiến thức của ba năm chuyên Văn vân hỗ trợ rất nhiều cho chuyên ngành của mình. Vốn từ và khả năng diễn đạt mà những năm học chuyên tôi tiếp thu được chính là tiền đề để phát triển hơn trong tương lai.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.