Nói về câu chuyện "giữ hay xóa sổ trường chuyên?", tôi cũng là người từng học chuyên, và bài giảng đầu tiên khi tôi vào Đại học bắt đầu đặt cho tôi câu hỏi "vậy bao năm tôi học chuyên để làm gì?". Bởi lúc đó, giai đoạn đại cương chỉ dạy những kiến thức mà tôi đã học từ lâu thời phổ thông, vậy trường chuyên học gì? Phải chăng là lấy kiến thức của người lớn dạy cho trẻ con và học sinh chuyên chẳng qua là "hoa quả chín ép?". Mà đã là "chín ép" thì chắc chắn không bao giờ ngon bằng loại chín cây được.
Tôi cho rằng chúng ta cần nhìn theo nhiều chiều để thấy rõ những vấn đề còn tồn tại với trường chuyên:
Thứ nhất, hầu hết các bạn học sinh vào được trường chuyên là vì bạn đó thực sự học giỏi. Nhưng có phải bạn đó chỉ giỏi duy nhất một môn chuyên? Liệu lựa chọn vào học một lớp chuyên nào đó nó có thật chính xác chưa, đã khai thác hết tiềm năng của bạn đó chưa? Nếu học sinh đó vào lớp chuyên môn này mà bỏ qua hết những lĩnh vực khác phù hợp hơn với tài năng của mình (bản thân không nhận ra), vậy sự lựa chọn đó đã tối ưu hóa?
Thứ hai, để đi đến sự thành công cao, một trong các yếu tố quan trọng đó là sự tự do sáng tạo để phát huy hết các tiềm năng mà bạn giỏi. Trong khi đó, nếu bạn vào học chuyên, sự rèn luyện được đặt trên hết, tức là bỏ đi sự sáng tạo của cá nhân mà tập trung vào "luyện kỹ năng". Vậy học chuyên phải chăng đã phá đi giai đoạn quan trọng nhất của một đời người, đó là ước mơ, đam mê và sáng tạo?
>> Tôn sùng hay dẹp bỏ trường chuyên?
Một con người được ôm ấp ngày qua ngày bởi ước mơ, đam mê và sáng tạo thì họ mới có khát khao và động lực để biến chúng thành sự thật. Hãy tự hỏi ước mơ hồi bé của bạn là gì? Bạn có khát khao biến nó thành hiện thực hay không? Câu hỏi đó sẽ phần nào trả lời cho bạn về những mất mát nếu bạn đã lỡ bước vào trường chuyên.
Thứ ba, quá trình học sẽ phân hóa thành "học thuật" và "học ứng dụng". Hầu hết những thứ mà chúng ta được định hướng khi vào lớp chuyên đó là thiên về "học thuật" là chính. Nếu phát triển đúng hướng sẽ phải là nuôi dưỡng ước mơ, phát triển tài năng về mặt học thuật cho học sinh và con đường đó sẽ nuôi dưỡng tài năng đi theo hướng này mà thôi. Tuy nhiên, trường chuyên có đi theo hướng này?
Muốn theo hướng học thuật thì cần phải xây dựng một định hướng dài từ học tiểu học, phổ thông cho đến Đại học, cũng như nghiên cứu sinh trước và sau Tiến sĩ. Tuy nhiên, nếu nhìn lại định hướng của chúng ta, cả gia đình lẫn kỳ vọng xã hội đều hướng tới các kỳ thi cấp độ phổ thông là chính.
Nói tóm lại, trường chuyên không có tính kế thừa và phát triển, do vậy dù có xây nền móng tốt nhưng mục tiêu thì lại hạn hẹp, rất lãng phí nguồn tài nguyên quý giá là con người - thành phần tinh anh của đất nước.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.