Tôi vẫn luôn thắc mắc chuyên ngoại ngữ thì học gì nhỉ? Vì gặp nhiều bạn chuyên ngữ nhưng không nói được ngôn ngữ đang chuyên lắm. 16 năm đi học, tôi cũng tôn sùng trường chuyên, lớp chọn lắm. Nhưng khi đi làm thì đã thay đổi ngay cách nhìn.
Trường chuyên về văn hóa, thực chất chỉ là luyện lý thuyết. Nhiều bạn học giỏi, giành giải này, giải nọ, bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ... nhưng thực tế lại chẳng có được thành tựu gì. Những bạn có IQ cao siêu, chỉ chiếm tầm 4-5 % thôi, vốn dĩ khả năng học sẽ nhanh hơn người bình thường. Nhưng nhiều bạn được bày sẵn tài liệu, luyện đề, luyện thi, thành ra thụ động. Ra khỏi môi trường có sẵn thì rất dễ mất phương hướng.
Số còn lại, học giỏi hơn cũng chỉ do dành nhiều thời gian hơn, luyện thì, luyện đề nhiều bài, nhiều dạng hơn nên biết nhiều hơn; lại có môi trường, phong trào, các định hướng từ người đi trước nên tầm nhìn xa hơn. Có thành công hay không còn cả một chặng dài phía trước, như bao người khác thôi.
Trường chuyên được đầu tư ngân sách rất nhiều, mục tiêu là tạo ra nhân tài thay đổi đất nước. Còn nếu con bạn đam mê lĩnh vực nào thì nên tự đi tìm hiểu, tìm tài liệu, tìm thầy cô, tìm người cùng chí hướng để thỏa mãn, vừa không bị rập khuôn, vừa tăng tính linh động, khả năng tự lập, sáng tạo. Biết đâu lại có thể phát minh, phát hiện ra những thứ mới mẻ. Sau này không ở trong trường học nữa, ra ngoài xã hội, xung quanh đâu phải ai cũng giống mình?
Tôi thấy một môn học trong trường học không thể hiện đủ một lĩnh vực để gọi là đam mê có thể theo đuổi sau này, để vừa thỏa mãn đam mê, vừa nuôi được bản thân. Bằng chứng là lên bậc Đại học - môi trường đào tạo chuyên ngành, phạm vi kiến thức không còn chỉ ở một môn Toán, Sử, hay Địa. Vậy thì đào tạo chuyên sâu lý thuyết suông ở một môn học có tác dụng gì?
>> Trường chuyên luyện 'gà nòi' để đá ai?
Bản thân tôi cũng từng là một học sinh, cảm thấy việc học giỏi toàn diện thực chất (không dựa vào điểm số), giỏi đều tất cả các môn là vô cùng khó. Giống như con lươn trong chuyện ngụ ngôn về trường học. Tuy nhiên, những điều cơ bản thì nên biết, và cần được dạy ở chương trình phổ thông. Nếu chương trình học có thể giảm tải, bớt dạy những cái cao siêu, không thực tế đi, thì học sinh sẽ có thêm nhiều thời gian tìm hiểu, tự học thêm cái mình thích.
Từ đó, các em cũng sẽ hiểu được bản thân mình muốn học gì, làm ngành nghề gì, muốn sống như thế nào sau này? Hy vọng, sẽ có thêm những môn hoặc cách dạy giúp phát triển cách kỹ năng như thuyết trình, phân tích, phản biện, đề cao tư duy sáng tạo... Người lớn có khi đến cuối đời còn không hiểu được bản thân muốn làm gì, thì những học sinh ở giai đoạn phát triển làm sao có thể biết rõ để chọn học lệch, học quá chuyên sâu vào một môn học?
Trường chuyên, trường điểm, lớp chuyên, lớp chọn, học sinh xuất sắc, học sinh giỏi, giáo viên giỏi... tất cả những thứ đó đang tạo ra một nền giáo dục "toàn nhân tài" với những bảng điểm tuyệt đối. Bản thân những cái tên kia không có mục đích xấu, nhưng xã hội đang làm cho nó xấu đi. Không chữa được căn bệnh cố hữu thì tốt nhất nên bỏ.
Đồng ý rằng, ganh đua tích cực sẽ tốt cho sự phát triển. Nhưng hiện tại, tôi chỉ thấy người ta chỉ mải bàn tán nhau chuyện không vào được trường chuyên này, lớp chọn kia, không được giấy khen học sinh giỏi... coi đó là chuẩn mực để đánh giá trình độ một con người. Một môi trường toàn những "nhân tài" được cả xã hội đề cao, kính nể vì điểm số như vậy có phải tốt?
Freeze
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.