Dịp này dù là những ngày nghỉ hè nhưng những người giáo viên như chúng tôi hàng ngày vẫn phải đến trường để bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng chương trình sách giáo khoa mới. Đi giữa sân trường vắng lặng, chỉ có "tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng", lòng tôi chợt trùng xuống với nhiều nghĩ suy về năm học vừa qua, chẳng hạn là chuyện vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 để hoàn thành năm học; là những thành tựu của các đoàn học sinh Việt Nam đi thi quốc tế...
Bản thân tôi với tư cách là một người có chút thâm niên giảng dạy trong ngành giáo dục, đồng thời cũng là một phụ huynh và là một công dân, cũng có nhiều trăn trở với nền giáo dục nước nhà. Ấn tượng của tôi đối với ngành giáo dục trong năm học qua có mấy điều như sau:
1. Suy nghĩ của xã hội về trường chuyên, lớp chọn; về giải thưởng của học sinh đã có rất nhiều thay đổi
Trong bài viết "Cả lớp đỗ trường chuyên ở Hà Nội"; hay trong một bài báo khác viết về một học sinh đạt giải cao trong kỳ thi quốc tế mới đây, bên cạnh những bình luận chúc mừng, điều khiến tôi ngạc nhiên là có không ít ý kiến phản đối trường chuyên, lớp chọn. Đọc những bình luận này, chúng ta có thể dễ dàng thấy được những thay đổi lớn trong tư tưởng của phụ huynh học sinh, cũng như của xã hội đối với giáo dục.
Để có được những thay đổi lớn lao đó thì một phần là do sự phát triển tự thân của ngành giáo dục, phần quan trọng khác là sự tiếp thu những tinh hoa từ những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới:
Một phụ huynh gốc Việt nói về giáo dục ở Australia thế này: "Tôi thấy, học sinh ở Việt Nam quá bị áp lực về các môn học và cách giáo dục. Tôi được học ở Australia từ lớp 5, cách đây mấy chục năm trước. Căn bản đến giờ, nền giáo dục ở đây vẫn không thay đổi. Từ lớp mẫu giáo đến lớp 6, các môn học đa số là vừa học vừa chơi, với biện pháp đào tạo sự phát triển của bộ não. Chẳng hạn như vẽ, trò chơi logic như coding, hay tập cho trẻ cách giao tiếp trước đám đông, ví dụ như thay phiên nhau nói về một thứ mình thích trước cả lớp...
Lẽ dĩ nhiên, các em cũng học Toán, Văn nhưng không quá nặng nề. Phải từ lớp 7 trở lên, học sinh mới bắt đầu học các môn khoa học như Toán, Lý, Hóa... Từ lớp 10 đến 12 là những năm quan trọng nhất. Trong quá trình học, tôi ít thấy ai phải học thêm, vì lý thuyết và bài tập luôn đi song song trên lớp. Nhà tôi có hai cô em là bác sĩ, nhưng cả hai chưa bao giờ học thêm một buổi nào. Trong khi ở Việt Nam, con gái nuôi của tôi mới lớp 10 đã phải học thêm mỗi ngày. Lúc tôi còn học đại học cũng chưa bao giờ phải bỏ nhiều thời gian vào chuyện học hành như con".
Còn với giáo dục Pháp, một người bạn của tôi khi làm nghiên cứu sinh ở đây có quan sát việc học tập của học sinh và đã rút ra kết luận rằng: "Ở Pháp, học sinh phổ thông học như chơi, nhưng sinh viên đại học thì học chết bỏ".
Với nền giáo dục của Mỹ, học cùng đại học với chúng tôi có một bạn là Giáo sư của một trường đại học. Bạn thực sự tài năng, đồng thời cũng là người có nghị lực phi thường. Tuy nhiên, chúng tôi không phục bạn ở điểm này vì mỗi người một công việc, một cuộc sống; bạn chọn con đường học vấn nên có học hàm như vậy là dễ hiểu. Điều chúng tôi thực sự khâm phục ở bạn là con bạn vừa được nhận vào trường đại học hàng đầu thế giới - Harvard. Bạn cho chúng tôi biết, để được vào trường này, học sinh phải vô cùng tài năng, đồng thời phải được sống trong môi trường giáo dục tiên tiến.
Con tôi học một trường khá tốt, nhưng không phải là trường điểm, được trực tiếp thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến của Mỹ. Ở đây, học sinh được học hành thoải mái, không bị áp lực điểm số, không phải luyện viết chữ đẹp, hay học thêm để mở mang kiến thức hoàn toàn là nhu cầu tự thân, không hề bị ép buộc. Ở Mỹ, khi học sinh đoạt giải quốc tế, chẳng mấy khi có báo nào đưa tin. Người ta quan niệm, giáo dục là để phát huy hết mọi tiềm năng của mình, là nơi giúp học sinh được phát triển để trở thành những con người mà mình muốn. Bạn tôi bảo: "Nếu ở học Việt Nam thì con anh khó, thậm chí là không thể vào được Harvard".
Hóa ra những điều mà các bậc phụ huynh chúng ta đang mong muốn con em mình được dạy, được hấp thụ thì học sinh ở các nước có nền giáo dục tiên tiến đã được dạy dỗ như vậy từ lâu rồi.
Tiểu thuyết Lolita của Vladimir Nabokov xuất bản tại Mỹ từ năm 1958, đã có đoạn viết: "Trường học chúng tôi không quá quan tâm đến việc luyện những học sinh của mình thành những con mọt sách, hoặc có thể đọc vanh vách tên thủ đô các nước châu Âu, mà dù sao cũng chẳng ai hay hoặc thuộc lòng ngày, tháng, năm của những trận đánh đã rơi vào quên lãng. Điều chúng tôi quan tâm là làm sao cho các em thích ứng được với đời sống quần thể. Vì thế, chúng tôi nhấn mạnh bốn điểm trọng tâm là: Kịch, Khiêu vũ, Tranh luận, Hẹn hò... Nói ngắn gọn, trong khi chọn theo một số kỹ thuật giảng dạy, chúng tôi quan tâm nhiều đến giao lưu hơn là soạn thảo. Có nghĩa là vẫn tôn trọng đúng mức Shakespear và các vị khác, nhưng chúng tôi muốn học sinh của mình tự do giao lưu với thế giới sống động xung quanh hơn là cắm cúi vào những cuốn sách cũ mốc meo...
Chúng tôi đã gạt bỏ cái mớ đề tài không thích hợp mà theo truyền thống, người ta thường bày đặt cho các thiếu nữ, khiến ngày xưa không còn chỗ cho kiến thức và kỹ năng cùng thái độ mà họ sẽ cần đến để tổ chức cho cuộc sống của mình, cũng như sau này là cuộc sống gia đình của họ nữa... Vị trí của một ngôi sao quan trọng nhưng chỗ phù hợp nhất để kê chiếc tủ lạnh trong bếp có thể còn quan trọng hơn đối với người nội trợ. Chúng ta không chỉ sống trong một thế giới trí tuệ mà cả trong thế giới vật chất nữa. Chữ không qua trải nghiệm là vô nghĩa".
Người Mỹ cho học sinh chơi nhiều, ngoại khóa nhiều để phát triển các kỹ năng cần thiết, họ tạo môi trường để mỗi cá nhân có thể phát triển hết khả năng của mình, để có thể trở thành người mình có thể trở thành. Từ lâu, họ đã nhận ra, muốn phát triển và có cuộc sống hạnh phúc thì EQ có khi còn quan trọng hơn IQ, "người ngát hương" hơn "người ngát chữ". "Muốn sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp, đáp ứng được những nhu cầu khắt khe nhất của người dùng thì cần phải có sự thấu cảm sâu sắc về nghệ thuật, cuộc sống"; "những người có cảm thụ về văn hóa nghệ thuật tốt thì thường có cuộc sống hạnh phúc hơn, thành công hơn" (Thế giới phẳng, Thomas Friedman).
Các nền giáo dục tiên tiến đã tiến hành thực hiện những cách thức giáo dục tiên tiến như vậy từ rất lâu và họ đã thu được rất nhiều thành tựu như chúng ta thấy. Phụ huynh, học sinh và cả xã hội Việt cũng mong muốn nền giáo dục nước nhà có những cách thức dạy và học tiên tiến như thế. Điều này đòi hỏi ngành Giáo dục Việt Nam, dù đã có nhiều thay đổi, nhưng trước đòi hỏi của cuộc sống, thì những thay đổi đó cần phải được tiến hành mạnh mẽ hơn nữa.
2. Suy nghĩ của phụ huynh và học sinh về chuyện học thêm cũng rất khác xưa
Thi vào cấp ba là kỳ thi được tổ chức vô cùng nghiêm túc, giống như kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia ở tất cả các địa phương trên cả nước, nên kết quả của kỳ thi này phản ánh khá trung thực khả năng của học sinh. Qua đó, cũng cho thấy được trình độ của học sinh ở địa phương đó. Với đề thi như những năm vừa qua, học sinh không cần phải học quá vất vả, không cần đi học thêm, chỉ cần học kỹ sách giáo khoa thì môn Toán cũng có thể đạt được ít nhất 5 điểm với kỳ thi vào lớp 10 công lập ở TP HCM; được 7, 8 điểm với kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Thế mà, kỳ thi vào lớp 10 công lập ở TP HCM năm nay cho kết quả tới gần 50% bài thi Toán, Ngoại ngữ dưới điểm 5. Nhiều người phàn nàn về chất lượng giáo dục. Bản thân tôi lại có thắc mắc: đi học thêm mà có gần 50% bài thi Toán và Tiếng Anh của các thí sinh dưới điểm 5, thì đi học thêm làm gì?
Quan sát chuyện học thêm, dạy thêm từ nhiều năm nay, tôi thấy thực sự đã có nhiều thay đổi. Do có sự lên tiếng mạnh mẽ của toàn xã hội, nên hè này một số tỉnh đã có công văn cấm giáo viên dạy thêm. Bởi vậy, mùa hè này thực sự là "mùa hè sạch" ở nhiều nơi đối với học sinh. Cụ thể, ở Bắc Ninh quê tôi, năm nay dù đã cuối tháng 8, nhưng đa số học sinh vẫn được nghỉ hè, vui chơi thoải mái. Điều này thực sự ấn tượng đối với tôi vì lâu lắm rồi mới có một mùa hè trọn vẹn như vậy.
Tôi thực sự ấn tượng với điều này khi liên tưởng đến sự kiện chấn động xảy ra ở đất nước Trung Quốc vào ngày 23/10/2021 khi họ đưa ra quy định "cấm dạy thêm vì lợi nhuận và yêu cầu trường học giảm tải lượng bài tập" - chính sách "giảm kép". Lệnh cấm dạy thêm vì lợi nhuận và giảm tải bài tập về nhà này chỉ trong một đêm đã "xóa sổ" một ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ đôla, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người và tác động to lớn đến toàn xã hội. Thế nhưng, vì tương lai của đất nước, ngành giáo dục Trung Quốc vẫn đưa ra quyết định khó khăn này.
Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu trên con đường phát triển của mình. Để phát triển như vậy, ngành Giáo dục của Trung Quốc phải có những quyết sách rất đúng đắn. Để đưa được ra quyết định khó khăn này thì chắc chắn người dân Trung Quốc đã lên tiếng rất nhiều về nạn dạy thêm rất nhiều. Chính sự lên tiếng này đã tiếp thêm động lực để ngành giáo dục Trung Quốc ra quyết định này.
Tôi tin nhiều người Việt cũng mong chúng ta cũng sớm có những quyết định đột phá như vậy. Tuy vậy, để thay đổi thực trạng học thêm, dạy thêm ở ta lại không chuyện một sớm một chiều là làm được, khi mà những căn bệnh như hình thức, sĩ diện vẫn còn bén rễ rất sâu. Để con đường đến những quyết định lịch sử đó ngắn lại, mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm hành động, lên tiếng.
>> 'Điểm thầy cho bỏ xa điểm trò thi'
Hôm vừa rồi, nhân buổi họp lớp phổ thông, chúng tôi có dịp gặp lại bạn bè cũ. Trong nhóm chúng tôi, có nhiều người làm trong ngành Giáo dục. Quanh đi quẩn lại, câu chuyện về giáo dục lại là tâm điểm. Mọi người đều có một điểm chung là rất bức xúc về chuyện học thêm, phản đối vấn nạn này. Nhưng ngay cả với những người làm quản lý, cũng phải tuân thủ công việc của ngành, không dám làm khác đi.
Bản thân bé nhà tôi năm nay vào lớp 1, cũng như nhiều học sinh khác trên cả nước, cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đã thế, gia đình tôi lại không cho con đi học thêm ở trường, hay trung tâm. Con học ở nhà cũng chỉ khoảng 30 phút đến một tiếng là nghỉ. Tôi không cho con đi học thêm không phải vì sợ tốn tiền mà bởi vì gia đình muốn cho cháu được vừa học, vừa chơi thoải mái, không đánh mất đi tuổi thơ của mình; hơn nữa chúng tôi muốn rèn cho con kỹ năng cực kỳ quan trọng đó là tự học.
Gặp nhiều bất lợi như vậy, nên việc con gặp khó khăn khi học trên lớp cũng là hiển nhiên. Cô giáo của con thường gọi điện, nhắn tin phản ánh rằng con học kém, không theo kịp các bạn trên lớp. Còn tôi vẫn kiên trì từng bước dạy dỗ con mình. Kết thúc năm học, bé nhà tôi đã có thể theo kịp bạn bè: đã biết đọc, biết viết và đã biết học Toán khá tốt, dù không một ngày phải đi "tiền lớp 1", hay học thêm.
Chính những hành động cụ thể đó của tôi với tư cách là một phụ huynh, chính những lên tiếng thường xuyên về nạn dạy thêm, học thêm trong thời điểm này, có thể chưa có tác dụng hữu hiệu ngay, chưa thể khiến quyết định cấm dạy thêm triệt để được đưa ra tức thì. Nhưng điều đó nhất định sẽ giúp ngành Giáo dục Việt Nam thay đổi từng bước và sẽ sớm có những quyết định lịch sử. Khi đó, mới mong giáo dục phát triển, đất nước đi lên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.