Tác giả Vũ Thị Minh Huyền hiện là Tiến sĩ, công tác tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp và khó lường, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Mỗi ngày đọc báo, xem tin tức, thấy các thông tin về số ca nhiễm mới, tôi tin ai cũng cảm thấy lo lắng, sợ hãi không biết lúc nào bản thân sẽ bị nhiễm bệnh. Hàng triệu người đang phải chịu áp lực tài chính vì Covid-19. Điều này khiến chúng ta cảm thấy kiệt sức, dễ tức giận, kiệt quệ, vật vã trong khó khăn.
Rất nhiều người đang rơi vào hoàn cảnh bị giảm giờ làm, bị nợ lương, thậm chí thất nghiệp, nợ ngân hàng, phá sản. Họ rơi vào cảnh kiệt quệ khi tình trạng khó khăn kéo dài suốt từ đầu năm 2020 cho đến nay. Cuộc sống có muôn vàn lý do khiến cho chúng ta mệt mỏi, dù bạn không muốn thì chúng vẫn đến, và rồi bạn vẫn phải sống và đối mặt với thực tế. Mạnh dạn nhìn thẳng vấn đề, xem xét và tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Đón nhận nghịch cảnh một cách bình thản, bạn mới có thể thay đổi số phận của mình.
Đừng bao giờ lấy hoàn cảnh ra để đổ lỗi cho sự hèn nhát, năng lực yếu kém hay sự lười biếng của bản thân, mà bạn phải biết vượt lên trên hoàn cảnh vốn có của mình để chiến thắng nó. Bạn có thể đổ lỗi cho người khác, rằng vì họ mà bạn không có việc làm, không có thu nhập, con bạn không được uống sữa... Những người thành công trong cuộc sống không bao giờ tìm lý do để bào chữa. Họ tìm mọi cách để vượt qua những trở ngại thay vì bị đánh gục. Đó là lý do tại sao họ luôn thành công hơn người khác.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn hy vọng vào những điều không tưởng xảy ra giúp chúng ta giải quyết mọi khó khăn. Nhưng sự thật, cuộc sống không phải như vậy. Nếu muốn thay đổi cuộc sống thì bạn phải là người thực hiện những mục tiêu đề ra. Lúc gặp khó khăn, bạn đừng chỉ nghĩ chờ ai đó tới giúp, đừng tùy tiện đi cầu xin lòng thương của mọi người, đừng khó chịu với tất cả những người xung quanh mình chỉ vì họ không khó khăn như bạn, hãy tự vượt qua khó khăn bằng chính năng lực của mình.
>> Định kiến 'nhân viên ngân hàng lương cao, bổng hậu'
Bạn vẫn còn trẻ, nhưng lại không dám mạo hiểm, không chịu suy nghĩ ra cách chinh phục những thử thách trong cuộc sống, không dám từ bỏ công việc hiện tại để lao ra ngoài xã hội bươn chải kiếm tiền. Bạn chỉ mải lướt Facebook rồi chém gió cùng những người nhàn rỗi như mình, phán xét hết người nọ đến người kia như thể bạn là quan tòa, bạn quay lưng lại với tất cả những người nói không đúng ý mình, không về hùa với bạn, bạn bận ngủ nướng đến chiều...
Bạn mơ mộng làm vài năm sẽ được thăng quan tiến chức, rằng muốn gì sẽ có, không cần lao động vất vả mà vẫn lĩnh lương đầy đủ. Nhưng dựa vào cơ sở gì để có được điều đó? Dựa vào đâu bạn cho rằng chẳng cần bỏ ra chút công sức nào, cứ phụ thuộc vào người khác sẽ kiếm tiền lo cho bạn, cuộc sống sẽ mang đến cho bạn tất cả những thứ bạn muốn ư?
Năm xưa, khi thành lập công ty, Jack Ma cũng luôn trong tình trạng nghèo khó. Để duy trì công ty, ông đã phải đi bán quần áo lót, quà tặng, thuốc men và các món đồ lặt vặt, tự mình bôn ba khắp nơi bán hàng, nếm trải đủ đắng cay tủi nhục, chịu đủ vất vả khổ sở. Sau này, khi thành lập công ty Alibaba, Jack Ma vẫn rất khó khăn. Đi làm ăn bên ngoài, ông đều đi bộ, rất ít khi đi taxi để tiết kiệm tiền.
Chúng ta thường chỉ nhìn thấy mặt hào nhoáng, đẹp đẽ của những người thành công, mà không hề biết rằng trước khi đạt được điều đó, rất nhiều người trong số họ đã phải thức đêm suốt bao nhiêu năm tháng bên máy tính, làm việc không có ngày nghỉ, không có thời gian chăm sóc bản thân, không được đi du lịch, không lên mạng xã hội chém gió, không nhìn ngó người khác. Tât cả là để làm việc cật lực, mỗi ngày, họ chỉ ngủ có 3-4 tiếng đồng hồ. Rồi còn bao nhiêu lần thất bại, thua lỗ, thậm chí còn bị kẻ khác hãm hại đến khuynh gia bại sản. Đó đều là bước đệm để đến với thành công.
Bạn cần hiểu rằng, không bao giờ có công việc nào vừa nhàn hạ vừa nhiều tiền. Nếu bạn lựa chọn làm công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, bạn sẽ chỉ nhận được mức lương thấp tính theo hệ số cơ bản, thâm niên công tác. Nếu bạn chỉ làm nhân viên quen, làm đến năm 40 tuổi, lương của bạn vẫn chỉ ở mức 5-6 triệu đồng. Nếu ở cơ quan nào may mắn có thêm nguồn thu ngoài, bạn sẽ có thêm phụ cấp, phúc lợi khác, sẽ có thu nhập cao hơn một chút, nhưng cũng chỉ là tạm đủ sống với mức bình dân. Bạn sẽ chỉ có thể đi làm bằng xe máy thay vì ôtô, con của bạn chỉ có thể học trường công lập bình thường chứ không thể có điều kiện theo học trường tư, trường quốc tế, du học.
>> 'Sinh viên mới tốt nghiệp ảo tưởng lương 10-15 triệu đồng'
Đa phần mọi người cứ nghĩ làm công chức, viên chức lương thấp, nhưng nhàn hạ, có thời gian cho gia đình. Điều này không hẳn đúng. Nhàn hay vất vả cũng còn tùy thuộc vị trí công việc đó là gì? Có những vị trí chỉ là nhân viên, lương 5-6 triệu đồng, nhưng bạn phải làm việc cả tám tiếng một ngày vẫn chưa xong việc, thậm chí phải làm thêm ngoài giờ vào buổi tối và cuối tuần. Có khi bạn làm ngày 10-12 tiếng mà lương vẫn thế, dù có được trả thêm tiền làm ngoài giờ thì cũng rất ít ỏi, không xứng đáng với sức lao động của bạn bỏ ra. Không những công việc vất vả, bạn còn phải chịu rất nhiều áp lực từ lãnh đạo, từ đồng nghiệp, từ những thị phi không đáng có, tinh thần của bạn luôn mệt mỏi, chán nản, suy nghĩ nhiều đến bạc cả tóc và muốn bỏ việc.
Nếu lựa chọn làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập cao, bạn xác định phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối muộn thậm chí 11-12 giờ đêm khi công việc chưa hoàn thành. Bạn sẽ không có thời gian làm thêm bất kỳ công việc nào khác, không có thời gian chăm sóc gia đình, dạy con học, bạn phải nhờ ông bà hay thuê giúp việc làm hộ. Bạn sẽ phải chấp nhận nếu làm tốt thì được nhận lương cao, làm không tốt thì bị sa thải ngay lập tức chứ không phải như công chức, viên chức nhà nước, dù năng lực kém đến mấy cũng rất khó bị đuổi việc.
Nếu lựa chọn ra ngoài tự mở công ty, tự kinh doanh, thì bạn phải xác định làm việc không có ngày nghỉ, tìm mọi cách để kiếm việc cho nhân viên làm, kiếm tiền trả lương cho họ. Bạn sẽ phải bỏ mặc gia đình vì không có thời gian. Làm ăn có lúc khó khăn, phải vay nợ ngân hàng, thậm chí thua lỗ, phá sản. Không những vậy, nhiều gia đình còn rạn nứt tình cảm, dẫn đến ly hôn, con cái hư hỏng vì bố mẹ mải làm ăn mà quên mất dạy con.
Thế đấy, mỗi sự lựa chọn đều có giá của nó. Bạn cho đi bao nhiêu thì sẽ nhận lại bấy nhiêu. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể thành công trên mọi con đường, nhưng thành công đó không bao giờ đến dễ dàng và không phải cứ cố gắng là sẽ đạt được.
>> 'Chọn việc lương thấp để được sống thảnh thơi'
Khi kêu ca công việc khó khăn, hoàn cảnh túng quẫn, bạn cần phải biết rằng, kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng. Nhiều khi trải qua vô vàn khó khăn, vật vã nhiều năm trời nhưng bạn vẫn mất cả vốn lẫn lãi. Thời đại nào cũng thế, muốn làm giàu đều phải mạo hiểm, đều phải đổ rất nhiều mồ hôi, đầu tư thời gian, công sức, tiền và trí tuệ... Muốn thành công như người khác, bạn hãy làm việc cật lực giống như họ, đừng chỉ biết so sánh hơn thua, ghen tỵ và hỏi người khác làm gì mà giàu hơn mình?
Nếu hiện tại bạn lựa chọn cuộc sống an nhàn, không muốn lao động vất vả, không dám mạo hiểm, không dám làm những việc mà trước đây chưa từng làm, tương lai sẽ buộc bạn phải vất vả gấp nhiều lần để bù đắp lại. Nếu bạn bươn chải vất vả thời trẻ, thứ mà bạn chắc chắn có được là cả đời sau này giàu có, hạnh phúc.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang là mối đe dọa gây nguy hại to lớn về nhiều mặt đối với xã hội, làm cả thế giới phải kiệt quệ, nhưng khó khăn không chỉ riêng ai. Chúng ta hãy tin tưởng rằng, thành hay bại đều nằm trong tay mỗi người. Bạn chấp nhận thỏa hiệp với khó khăn, cam chịu cảnh bần hàn, hay sẽ vùng lên đấu tranh, tìm mọi cách để thoát ra khỏi nghịch cảnh? Tất cả đều là do bạn lựa chọn lúc này.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.