"Tôi là chủ một doanh nghiệp nhỏ đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài, nhưng doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi hoàn toàn phải dừng hoạt động. Trong khi đó, lãi ngân hàng vẫn réo định kỳ, chi phí nhà xưởng, máy móc vẫn phải bỏ ra đều đặn, thậm chí vẫn phải nuôi nhân viên để sẵn sàng trở lại làm việc ngay khi được mở cửa.
Nhưng một tháng, hai tháng, ba tháng, rồi nhiều tháng trôi qua, hy vọng và túi tiền của chúng tôi cứ cạn dần theo đà lan rộng của virus. Tương lai phía trước với doanh nghiệp của tôi đang rất mịt mờ. Nếu cứ tiếp tục phải đóng cửa thế này, bản thân tôi cũng không biết mình trụ được thêm bao lâu nữa? Đến lúc phải tuyên bố phá sản, không chỉ tôi và ngay cả những nhân viên của mình cũng sẽ đều bế tắc".
Đó là chia sẻ của độc giả Huy xung quanh câu chuyện "Doanh nghiệp đang kiệt sức, cạn tiền". Cụ thể, gần 70% trong hơn 21.000 doanh nghiệp được khảo sát đã đóng cửa, phần lớn vì chuỗi cung ứng đứt gãy và không ít chỉ còn tiền "sống" dưới một tháng. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và còn lại đã giải thể. Ngoài ra, có hơn 21% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn.
Cũng rơi vào cảnh lao đao khi doanh nghiệp bị dừng hoạt động, bạn đọc Đức Anh Trần cho rằng: "Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa công bố phá sản nhưng cũng chỉ có thể gọi là tồn tại lay lắt. Tôi cũng là chủ của hai doanh nghiệp, một doanh nghiệp làm về truyền thông, và cái còn lại là showroom rượu vang. Kinh doanh rượu gần như 'chết hẳn' luôn thời điểm này vì không có khách hàng, trong khi mỗi tháng tôi vẫn phải đóng tiền điện, mặt bằng vài chục triệu đồng, phải cắt hết các chiến dịch marketing. Công nợ cũ tôi cũng chưa thể lấy về vì khách cũng đâu còn tiền mà trả.
Công ty truyền thông của tôi cũng sống lay lắt qua mùa dịch, nhân viên không giảm lương, khách hàng mới không có, khách hàng cũ dừng hợp đồng gần hết vì dịch không thể duy trì marketing... Trong khi đó, lãi ngân hàng vẫn treo trên đầu".
>> 'Người tiêm hai mũi vaccine nên được đi làm'
Đồng cảm với những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ đang gặp phải, độc giả Lehoaianh5115 chia sẻ: "Chúng tôi là doannh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đang hấp hối trước đại dịch. Giờ chi phí vận hành tối thiểu để đảm bảo anh em nhân viên hưởng 50% lương và làm online, thuê văn phòng... cũng tối thiểu là 40 triệu đồng một tháng. Đúng lúc lập dự án và rất nhiều kỳ vọng thì giờ kế hoạch của chúng tôi đứt gẫy. Mấy ngày qua, tôi cực kỳ trầm cảm. Bởi chính những người gồng gánh các doanh nghiệp nhỏ phải chịu trách nhiệm về tâm huyết của mình và cả lo cho nhân viên. Chúng tôi thực sự bế tắc".
Bạn đọc 3dvanphat nói thêm: "Nhiều người cứ nói cứ ở nhà nghỉ dịch, chỉ cần không chết thì có thể làm lại từ đầu. Nhưng thực tế đâu có đơn giản như vậy. Ví dụ công ty tôi bị ảnh hưởng bởi dịch mấy năm nay, làm ăn cứ vật vờ, thiếu vốn, phải vay ngân hàng để duy trì sản xuất, nâng cao công nghệ nhằm tăng năng suất. Tôi phải cầm cố tài sản cố định mới vay được ngân hàng.
Vậy mà giờ phải nghỉ dịch ba tháng nay, nhưng tiền gốc và lãi vẫn phải đóng đủ, tiền thuê xưởng, văn phòng, tiền hỗ trợ công nhân, tiền bảo dưỡng máy móc... không thiếu thứ gì. Cứ như vậy, nếu hết dịch không có tiền để vận hành lại để sản xuất để trả ngân hàng thì tôi chỉ có ra đường ở thôi. Chỉ ai trong hoàn cảnh này mới hiểu".
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng tạm thời đóng cửa nhiều nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Do phong tỏa, giãn cách tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa phương chỉ cho phép "hàng thiết yếu" được lưu thông, các chốt chặn kiểm soát dịch được dựng lên khắp các cung đường với điều kiện lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau. Chi phí vận chuyển tăng vọt do thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần và doanh nghiệp phải mất thêm khoản tiền không nhỏ từ chi phí xét nghiệm cho lái xe.
>> Để người tiêm hai mũi vaccine sống 'bình thường mới'
Độc giả Khanh Le đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp: "Doanh nghiệp chết thì người lao động cũng khốn khó. Người lao động là người làm ra sản phẩm cho nền kinh tế, đồng thời cũng là người tiêu dùng. Nếu người lao động giảm chi tiêu thì doanh nghiệp tồn kho nhiều, đình trệ sản xuất. Do vậy, cần phải tính cách chung sống với Covid-19 để tồn tại và phát triển kinh tế.
Theo các nhà khoa học dự báo Covid-19 còn nhiều biến thể và kéo dài khoảng ít nhất ba năm nữa nên chúng ta phải đối mặt với khó khăn này. Chúng ta không nên quá sợ hãi mà cần hiểu cách phòng tránh trong sản xuất và sinh hoạt trong cộng đồng để giữ vững nền kinh tế".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Minh Quan cho rằng: "Covid-19 gần như chắc chắn sẽ không thể biến mất, mà sẽ tồn tại lâu dài, lúc lên lúc xuống, lúc mạnh lúc yếu. Vì vậy, việc cần phải làm và làm ngay là tiêm chủng vaccine cho toàn dân, đồng thời có phương án sản xuất kinh doanh trong tình hình mới để sống chung với dịch bệnh. Không thể cứ phong tỏa, giãn cách mãi, nếu không tình hình còn phức tạp và tồi tệ hơn. Hãy tiêm vaccine cho tất cả những ai phải đi làm, đi học, số còn lại hãy ở yên trong nhà và sẽ được tiêm sau, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, để khôi phục kinh tế".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái khởi động nền kinh tế trong điều kiện "bình thường mới", độc giả Nguyễn Tiến Dũng phân tích: "Cần xây dựng sớm các phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất và kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Sức khỏe kinh tế của người dân và doanh nghiệp đang cạn kiệt và khó có thể trụ vững thêm.
Theo ý kiến cá nhân tôi, các tỉnh, thành phố nên xây dựng các kho bãi xanh, vùng sản xuất xanh, chợ xanh, phương tiện vận tải xanh và con người phục vụ xanh để được quay lại hoạt động bình thường. Các tỉnh, thành phố có thể xây dựng các chợ đầu mối xanh tại các quận để cung ứng lương thực thực phẩm đến chợ tại các phường xã để đảm bảo nguồn cung được đầy đủ. Khi đó, chúng ta có thể sơn xe và cấp mã nhận dạng cho phương tiện để đảm bảo về mặt quản lý cho các cơ quan chức năng.
Tạo các kho bãi xanh để tập kết và vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành phố. Vì bất kỳ hàng hóa nào cũng là thiết yếu, cũng phục vụ sản xuất và lưu thông. Có như vậy, chúng ta mơi giảm chi phí vận tải so với hiện nay và đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp được yên tâm thực hiện các quy định về việc phòng chống dịch một cách hiệu quả".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.