"Có nên bỏ công chức để kiếm 50 triệu mỗi tháng?", nhiều độc giả VnExpress cho rằng không nên mãi cố bám víu lấy một công việc ổn định:
"Làm công chức được tiếng là làm việc cơ quan này, cơ quan nọ, nhưng lương lại chả đủ nuôi cái miệng, chứ nói gì đến con cái, gia đình. Lương công chức hiện tại thấp hơn lương căn bản của công nhân rất nhiều. Tôi đã làm Nhà nước gần 20 năm rồi, giờ đang có ý định từ bỏ và cũng đang tiếc nuối vì không có ý định này sớm hơn. Nhưng hiện tại, do tình hình kinh tế, nên tôi còn bám víu và đang củng cố mọi thứ để sớm từ bỏ. Còn mấy chế độ bảo hiểm, lương hưu này nọ... bạn có thể tự đóng, gọi là bảo hiểm xã hội tự nguyện (sau này vẫn có lương hưu nếu muốn). Còn không, có tiền tự lo, cần gì mấy thứ đó.
Cái mác công chức công việc ổn định quá lớn đối với nhiều người, tuy thu nhập chẳng là gì so với công việc khác mà bạn có thể làm. Quan trọng là bạn có dám bước qua định kiến của bản thân hay không mà thôi. Thời đại của công nghệ, con người luôn vận động để phát triển hơn, đừng giới hạn ràng buộc mình theo suy nghĩ cũ. Cách đây vài tháng, đúng sinh nhật thứ 27, trong khi người khác điêu đứng vì mất việc do Covid-19, vợ tôi lại quyết định bỏ việc trưởng phòng kế toán, mức lương gần 20 triệu (cũng khá cao vì chúng tôi sống ở tỉnh nhỏ) ở công ty thức ăn gia súc vốn nước ngoài (quyền lợi của công nhân viên rất cao), để về làm cùng với tôi. Công việc mới thu nhập cao hơn, thời gian làm việc thoải mái, có thể chăm sóc và tận hưởng cuộc sống cho bản thân và gia đình nhiều hơn, chỉ là luôn phải vận động, học tập và phát triển bản thân mạnh mẽ hơn nếu không muốn bị tụt lại do đã phá bỏ bức rèm an toàn.
Cái gì cũng có giá của nó. Tôi đã nghỉ hưu sau 33 năm biên chế, mỗi tháng ở nhà vẫn lĩnh hơn bảy triệu đồng. Theo một số người, công chức là ổn định. Nhưng nếu làm con tính nhỏ, mỗi tháng bạn làm ngoài được 50 triệu, chỉ cần ba năm, nghĩa là 1/10 quãng đường tôi đi, là đã có thể tích luỹ được 1,8 tỷ đồng. Số tiền này bỏ vào ngân hàng thì mỗi tháng cũng đc bảy triệu dưỡng già. Nếu bản thân qua đời đột ngột, con cái cũng còn 1,8 tỷ thừa kế. Trong khi làm công chức có gì? Nếu bỏ ra tiêu xài nhu cầu cuộc sống thì sáu năm cũng có con số đó. Cơ hội không có nhiều đâu, hãy mạnh dạn chọn lựa điều tốt nhất. Còn việc lo lắng dịch bệnh, công việc ngoài không ổn định, thì thực tế cũng không phải cứ làm Nhà nước là không bị ảnh hưởng đâu. Bởi vậy, mới phải tích lũy phòng khi bất trắc.
Nhiều người đánh giá con người thông qua công việc, kiểu như có công ăn việc làm ổn định, công chức là hồ sơ đẹp... Đi ra đường ai hỏi làm gì mà khoe làm công chức thì oai hơn nhiều so với bán hàng online hoặc làm việc tự do, mặc dù thu nhập từ lương không đủ ăn sáng, uống cà phê. Tôi từng rất sửng sốt khi bác ruột cứ nằng nặc bắt chị họ (đang làm việc cho tập đoàn nước ngoài, lương 50 triệu) phải về làm công chức lương 6-7 triệu cho ổn định. Hoặc đồng nghiệp cũ của chồng tôi ra ngoài kinh doanh quán nhậu, buôn bán tốt lắm, nhưng bị bố bắt về làm công chức ở quận vì "kinh doanh như vậy làm xấu mặt bố mẹ, uổng công sức học hành". Cái tư tưởng công việc ổn định ăn sâu trong tâm trí rất nhiều người và họ dùng nó để đánh giá người khác.
Tôi có biên chế tại một cơ quan có tiếng trong ngành. Một ngày đẹp trời, tôi bỏ biên chế khi mới ngoài 35 tuổi. Và cuộc đời tôi phới phới từ đó. Bây giờ, hãy thử làm phép tính: Lương công chức mỗi tháng năm triệu, 10 năm bạn kiếm được 600 triệu. Còn nếu bạn kiếm được việc bên ngoài, mỗi tháng 50 triệu, làm một năm bằng lương công chức 10 năm. Vậy chỉ cần bạn làm hai năm là bằng 20 năm công chức, tức là tới lúc nghỉ hưu. Có những thứ tưởng là ổn định mà hóa ra lại là cái dây trói chặt mình trước những cơ hội tốt mà mình không biết. Nếu bạn đã kiếm được việc lương 50 triệu vào thời điểm khó khăn này, không lý do gì bạn không kiếm được việc liên tục với cỡ lương 30 triệu trong những năm tháng tiếp theo. "Biên chế và hợp đồng dài hạn" là thứ tư dũy rất cũ rồi.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm này? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.