Công nghệ thông tin là một lĩnh vực lớn với rất nhiều nghề trong đó, có nghề khá dễ thở nhưng thường lương thấp, còn những nghề có lương cao đều khá áp lực. Cũng có nghề lương cao mà cũng không áp lực lắm, ví dụ BrSE. Nhưng hôm nay tôi sẽ nói về những áp lực mà một lập trình viên có thể gặp phải.
1. Áp lực ra trường
Khi chọn học công nghệ thông tin, các bạn sẽ thấy, thường những khóa tuyển đầu vào số lượng khá lớn, nhưng lúc ra trường thường rớt tới 50-70%, thậm chí cao hơn. Lúc tôi học công nghệ thông tin, đầu vào khóa tôi tuyển 200 bạn, nhưng sau mỗi học kỳ lại có nhiều bạn rơi rớt lại. Kết quả, lúc học đến năm thứ năm chỉ còn 120 bạn, nhưng ra trường đợt một (không nợ môn nào) chỉ có 40 bạn, trong đó tám bạn được nhận vào làm việc khi chưa tốt nghiệp (được đi thực tập và phỏng vấn), còn lại phải xin việc từ đầu.
Lớp tôi lúc này cũng chỉ còn không quá 15 người theo nghề lập trình, còn lại đã chuyển sang các nghề khác như QA, tester, quản lý, nhân viên IT helpdecks... Trong ngành công nghệ thông tin, có hai môn học khá khó qua đó là Trí tuệ nhân tạo và Đồ họa máy tính. Các thuật toán dự đoán tốt nghiệp đã chỉ ra rằng chỉ những ai qua môn Trí tuệ nhân tạo và Đồ họa máy tính đợt một (ngay lần thi đầu tiên) mới tốt nghiệp đợt một, còn không sẽ phải chờ dài vì nợ môn rất nhiều.
2. Áp lực xin việc
Nhiều người cứ nghĩ rằng công nghệ thông tin đang thiếu nhân lực nên xin việc (ứng tuyển) khá dễ. Thực ra, theo cảm nhận của tôi, đó hoàn toàn là do cảm tính của nhà tuyển dụng. Phần lớn nhà tuyển dụng sẽ tuyển theo cảm nhận chứ ít khi xét tới năng lực. Sự thực, những người được tuyển thường thấy dễ dàng, còn người không được tuyển ngay lúc đầu, phải mất nhiều lần mới được tuyển mới có thể nhìn thấy rõ toàn bộ bức tranh tuyển dụng.
Đầu tiên, tôi thấy họ ưu tiên tuyển đồng môn. Nếu gặp đồng môn trong cuộc phỏng vấn, đa số họ sẽ rất thoải mái, và đơn giản chỉ hỏi thăm về trường lớp, thầy cô, các khóa "đàn anh" rồi cứ thế là nhận. Tiếp theo, đồng hương cũng là một ưu tiên tuyển dụng. Tôi thấy khi gặp đồng hương thì người ta sẽ chào hỏi khá thoải mái, sau đó thì giới thiệu nhà ở đâu, hứa hẹn đến chơi nhà... rồi cũng nhận luôn.
Khi đã ưu tiên các tiêu chí đồng môn, đồng hương mà vẫn còn thiếu chỉ tiêu, người ta mới tuyển tới người có năng lực. Phần đông nhà tuyển dụng lại là người quá tỉ mỉ (có lẽ do bệnh nghề nghiệp) nên họ lại thường bắt bẻ và đánh đố ứng viên không cần thiết để rồi loại bỏ những ứng viên rất tài năng. Lúc tôi đang học Fresher, ba ứng viên sáng giá nhất, điểm cao nhất, tiềm năng nhất lại chỉ được nhận sau cùng (khi không còn đồng môn, đồng hương).
Thậm chí, một ứng viên vô cùng tài năng, chỉ nói nhầm lẫn một chút về kiến thức cơ bản, cũng bị đánh trượt. Người ta quá đi sâu vào sai lầm cơ bản, mà bỏ qua những gì ứng viên đạt được dù việc khắc phục những thứ đó rất dễ dàng. Họ nhìn một khuyết điểm nhỏ và đánh loại cả "một quá trình nỗ lực phi thường" - có lẽ đây là bệnh nghề nghiệp của giới lập trình, tester.
>> Bảy năm lập trình để đạt lương 100 triệu đồng
3. Sự đố kỵ của của những "tay ngang" hay "ma cũ"
Trong công ty, bất kỳ ai làm việc cũng đều mong muốn thể hiện mình xuất sắc hơn người khác để mong được sếp đánh giá cao hoặc chỉ đơn giản là thể hiện quyền lực. Người có nhiều thành tích thường không ghen tỵ lắm mà hay bỏ qua lỗi lầm của người khác, thông cảm dễ dàng. Người ít thành tích lại thường có xu hướng cảm thấy mình "ít được chú ý" nên họ cố gắng tạo ra "thành tích" để được ghi nhận.
Những người "tay ngang" thường ít thành tích nhất, vì đa số họ không tham gia nhiều hay được làm nhiều đồ án, khóa luận nên không có cơ hội thể hiện trước mặt sếp. Họ thường rất quan tâm tới thành tích trong công việc đang làm để "ghi điểm" với cáp trên.
Các sinh viên mới ra trường và mới được nhận vào làm việc thường là nạn nhân bắt nạt của các "ma cũ" và "tay ngang" thiếu thành tích. Tôi từng bị một đàn anh đi trước đổ tội khi người này tự giao việc cho tôi dù không phải leader hay PM, cũng không có quyền chỉ đạo. Nhưng khi tôi bế tắc (thực ra lúc đó tôi lười đọc tiếng Anh vì thông báo lỗi quá dài), tôi tự động hỏi PM. Sau đó, người kia đổ hết tội cho tôi, hằn học và liên tục chửi mắng tôi nhiều câu khó nghe.
Lần thứ hai, tôi bị một người giàu kinh nghiệm (cũng là "tay ngang") không xác định được yêu cầu của khách hàng nhưng vẫn giao việc cho tôi rồi chuyển sang team khác, làm việc khác. Trước khi ra đi, người này còn liên tục công kích vấn đề lương thưởng của tôi, khiến tôi rất bất mãn (lúc này lương của tôi chỉ có sáu triệu đồng, đang chờ sếp tăng lương lên tám triệu).
4. Áp lực từ sếp và khách hàng
Bất kỳ nghề nào cũng có những áp lực này, nhưng với nghề khác, bạn có thể đo lường tiến độ dễ dàng vì các công việc đều có thể ước lượng thời gian giải quyết. Còn với những loại hình lao động trí óc này rất khó để ước lượng thời gian hoàn thành. Khi bạn gặp vấn đề về "trí óc" thì gần như là đứng yên rất lâu mới có thể tìm ra giải pháp. Trong khi đó, sự vất vả của bạn không thể hiện ra ngay trước mắt nên sếp và khách hàng không thể thấy được, không thể hình dung được để mà cảm thông cho bạn. Họ chỉ nhìn thấy thiết kế đơn giản trên màn hình và liên tục thúc ép, hối thúc bạn, đâu biết rằng đây không phải chuyện một sớm một chiều.
>> Đằng sau lương 100 triệu của kỹ sư IT
5. Áp lực công nghệ thay đổi
Những nghề khác, thời gian học một kiến thức, công nghệ, quy trình khá ngắn và học xong ứng dụng khá lâu, nên có thể nói là làm việc thong thả. Còn lĩnh vực công nghệ thông tin, bạn thường rất áp lực vì công nghệ thay đổi liên tục, phải học lại liên tục, những gì học được ứng dụng rất nhanh nhưng cũng nhanh đào thải. Khi làm sản phẩm, hầu như bạn phải làm rất nhiều việc khác nhau, nhiều ngôn ngữ, công cụ khác nhau nên liên tục phải học tập, cập nhật.
Trong khi những nghề khác hầu như chỉ làm một việc trong cả quy trình sản xuất, công nghệ thông tin đụng tới đâu phải học tới đó, học xong nếu nhảy công việc khác, công nghệ khác, bạn lại phải học tiếp. Những thứ bạn học xong chỉ ứng dụng được một dự án rồi lại sang dự án mới, công nghệ mới... lại phải thay đổi. Nếu các bạn làm cho các công ty lớn đã "chuyên nghiệp hóa" thì có thể dễ thở hơn vì mỗi loại việc, một loại công nghệ sẽ giao cho một người chuyên về mảng đó.
6. Áp lực tuổi nghề
Do phải học liên tục, nên khi tuổi già đi, khả năng nhạy bén về công nghệ của bạn cũng giảm đi, khả năng học tập giảm sút, nên hầu hết mọi người sẽ không theo được những lĩnh vực công nghệ biến đổi liên tục mà thường có xu hướng chuyển lên làm quản lý, hoặc đi làm tester, QA..., nhường sân chơi cho giới trẻ. Chỉ có những lĩnh vực ít người học, cực kỳ thiếu nhân lực, người ta mới giữ lại những người già như lập trình nhúng, tự động hóa... Thông thường, sân chơi cho lập trình viên chỉ đến khoảng 35-40 tuổi.
7. Áp lực sức khỏe giảm sút
Một trong những nguyên nhân gây đau đầu chính là mất cân bằng cơ thể, rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ, ngủ ít... Mà khi làm lập trình viên, bạn phải liên tục học tập, làm việc tăng ca... dẫn tới cơ thể mất cân bằng trầm trọng. Đây chính là nguyên nhân gây ra các chứng đau nửa đầu, đau đầu... Nếu liên tục nhìn vào màn hình máy tính suốt thời gian dài, mắt sẽ bị khô giác mạc do tập trung cao độ, gây ra các cơn đau, nhòe mắt... Bệnh tim mạnh của lập trình viên cũng tăng cao hơn so với người làm các ngành nghề khác vì phải ngồi lâu bên máy tính, tim đập chậm lại, da mặt bị xạ bởi các ánh sáng màn hình máy tính...
8. Áp lực thần kinh
Liên tục suy nghĩ và căng thẳng (stress) thời gian dài sẽ làm tính tình bạn trở nên thay đổi rất đang kể. Đa phần lập trình viên ít nói do bị gắn bó quá lâu với công việc. Họ thường ít giao tiếp xã hội ngoài các đồng nghiệp. Và khi nói, họ thường rất cọc cằn do bị căng thẳng lâu ngày, rất dễ nổi nóng. Tỷ lệ tiêu thụ đường và các đồ ăn chưa đường của họ cũng tăng cao, do căng thẳng, não bộ cần "đường" để cung cấp năng lượng cho suy nghĩ (não chiếm 20% năng lượng hoạt động của cơ thể) và để giảm căng thẳng. Các loại đồ ăn, uống chứa đường như nước ngọt có gas, cafe... cũng làm tăng tình trạng mệt mỏi.
Thánh Tuệ
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.