Tôi đồng cảm với suy nghĩ của tác giả bài viết 'Lương nhân viên ngân hàng chỉ ngang thợ xây'. So sánh một cách tương đối, nếu bạn làm công việc chân tay, sau khi hết giờ làm, buông khỏi công việc, bạn tạm thời có thể được nghỉ ngơi. Nhưng, với nhân viên ngân hàng, những công việc phía sau cánh cửa đón khách còn lớn hơn nhiều, khiến họ luôn phải ra về trong trạng thái kiệt sức.
Nhân viên ngân hàng thường không có khái niệm "hết giờ thì nghỉ" mà phải là "làm đến khi hết việc". Hết giờ làm việc hành chính, ngân hàng đóng cửa không giao dịch với khách hàng. Lúc đó, nhân viên ngân hàng lại túi bụi làm sổ sách, báo cáo. Khi họ ra về cũng là lúc đường phố đã sáng đèn. Về đến nhà có khi con cái đã ngủ. Ai có vợ hoặc chồng ở nhà chờ cùng ăn cơm tối là cả một hạnh phúc.
Con tôi học Đại học Kinh tế TP HCM, tốt nghiệp loại giỏi. Trong khi đó, em gái ruột của tôi cũng có chút chức vụ trong một ngân hàng thương mại top đầu của Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, con tôi nhất quyết không lựa chọn làm ngành ngân hàng. Thay vào đó, con đi làm thuê cho một tập đoàn tài chính. Có lần rảnh rỗi, tôi ướm thử nói chuyện với con: "Tại sao con không vào ngân hàng làm?". Con tôi cười nói: "Ba là 'bậc thầy' của tài chính mà còn hỏi con vậy?".
Người ra vẫn hay nói "làm ở ngân hàng sướng, lương cao, bổng lộc hậu...", theo tôi là hơi phiến diện. Tôi có nói với con tôi rằng "ngành Tài chính nói chung, trong đó có ngân hàng nói riêng, sử dụng hình ảnh hạch toán chữ T. Một bên phản ánh tài sản nợ, một bên phản ánh tài sản có. Nhưng, chữ T là, tiền, tài, tình, tội, tù, tử, chớ có đùa. Kể cả CEO ngân hàng cũng chỉ là làm thuê, áp lực công việc là rất lớn, đầu óc luôn như mộng du. Tốt nhất, tránh được cứ tránh, nếu có thể".
>> Lầm tưởng 'ngân hàng thưởng Tết trăm triệu đồng'
Xin kể thêm một câu chuyện vào mùa mưa cách đây hơn một năm, trước khi đợt dịch bệnh Covid thứ 4 bùng phát ở TP HCM. Bữa đó, chừng hơn 20h, một người mẹ trẻ, đeo hai ba lô, ghé vào cửa hàng nhà tôi để mua đồ. Ba lô phía trước để địu đứa con nhỏ chừng bảy tháng tuổi ngủ say sưa, ba lô phía sau là để đựng đồ cá nhân của bé. Tội nhận ra người mẹ vẫn mặc áo dài đồng phục của một ngân hàng thương mại.
Hỏi thăm ra mới biết, mẹ bé phải gửi con ở nhà trẻ tư để đi làm. Giờ này mới hết việc, tan làm, ghé nhà trẻ đón con thì đứa bé đã ngủ say rồi. Vợ tôi buột miệng hỏi: "Vậy chồng đâu? Giờ này còn đi làm, thì hai vợ chồng tiền để đâu cho hết?". "Anh chắc đang ở đường Phạm Văn Đồng hay bờ kè nào đó", cô gái đáp. Tôi vội vàng ngắt lời, nhìn sang người mẹ trẻ đang rơm rớm nước mắt. Có lẽ chồng cô đang đi nhậu ở đâu đó. Đấy là cuộc sống thường nhật của một nhân viên ngân hàng bình thường, chẳng hào nhoáng, giàu sang như người ta vẫn tưởng tượng.
Nói vậy để các bạn hiểu rằng, dù sẽ thật khập khiễng khi đem lương nhân viên ngân hàng ra so sánh với một người thợ xây, rồi kết luận nghề nào vất vả hơn, nghề nào gặp bất công hơn. Nhưng rõ ràng, nghề ngân hàng cũng có những góc khuất và khó khăn riêng của nó, rất cần được đồng cảm và thấu hiểu, tránh những định kiến sai lầm, không đáng có.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.