"Lương của tôi chỉ có chín triệu đồng thôi nhưng bản thân lại sống khá an nhàn, thoải mái vì tiền điện, nước, chỗ ở, cơm nước đều được công ty bao toàn bộ. Đến Tết, công ty lại thưởng cho hai tháng lương. Tôi ở trọ trong căn phòng 20 mét vuông rất thoải mái, thích ăn tiệm hay tự nấu ăn đều được. Lúc rảnh có thể đọc truyện tranh, nghe cải lương mà không bị ai quấy rầy.
Đến nay, tôi đã tích lũy được 11 lượng vàng, dự định vay mượn thêm để mua mảnh đất ở quê để dành. Đến khi 55 tuổi về hưu, tôi sẽ an nhàn vui thú điền viên, có lương hưu nên tôi cũng yên tâm phần nào.
Trong khi đó, nhìn những cặp vợ chồng có ba đứa con ở trong căn phòng bên cạnh, thỉnh thoảng vẫn phải sang mượn tiền tôi, vẫn hỏi tôi sao không lấy chồng đi, lớn tuổi lắm rồi đấy? Nhưng sống như họ, tôi thực sự không chịu nổi. Tôi không có ý định lấy chồng, sinh con vì không thích con nít, và cũng không trông mong ai chăm sóc mình".
Đó là quan điểm sống của độc giả Tnga19027 khi hài lòng với mức lương chỉ vỏn vẹn chín triệu đồng. Khi đi làm ai cũng cần lương cao và môi trường làm việc tốt. Tuy nhiên, không phải lúc nào hai yếu tố này cũng song hành và làm hài lòng nhân viên. Do đó, có những khi chấp nhận một mức lương thấp hơn để có môi trường làm việc vui vẻ là lựa chọn của nhiều người.
Nhưng cũng có người sẵn sàng đối mặt với những thử thách, áp lực để có một mức lương tốt hơn, nhằm thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc sống. Bạn đọc Linh Trần là một trong số đó: "Tuỳ vào quan điểm sống, mỗi người sẽ có những suy nghĩ khác nhau. Trước mắt, có thể cuộc sống nhiều người quá êm đềm nên họ nghĩ mức lương 10 triệu đồng là đủ sống. Nhưng có những người thu nhập cao và vẫn có tham vọng, không ngừng nghỉ.
Bản thân tôi thu nhập trung bình mỗi tháng 35 triệu đồng, có tháng kinh doanh tốt, tôi thu nhập còn cao hơn, nhưng tham vọng của tôi cũng không cho phép tôi ngừng nghỉ. Tôi muốn thu nhập cao hơn nữa, muốn làm hết sức mình vì tôi tin mình hoàn toàn có thể làm được. Tóm lại, điều quan trọng vẫn là việc tham vọng của bạn tới đâu hay bạn sẽ chấp nhận an phận?".
>> Bạn bè chê tôi an phận lương 10 triệu
Đồng quan điểm, độc giả Cuvo nhấn mạnh: "Tôi có thu nhập 40 triệu đồng mỗi tháng, có một nhà ở, một nhà cho thuê, ở chung với bố mẹ và không phải đóng góp, không phải nuôi ai khác. Hiện công việc quá ức chế, mệt mỏi, bản thân muốn được nghỉ ngơi, nhưng tôi luôn lo sợ khi về già số tài sản hiện tại không đủ để trang trải vì cuộc sống chẳng ai nói trước được điều gì. Chỉ cần một cơn bệnh hoặc một biến cố xảy ra là có thể cuốn phăng tất cả.
Thế nên, dù mỗi ngày đi làm là một ngày mệt mỏi, tôi vẫn không nghỉ. Bởi tôi không muốn kinh nghiệm bao năm của mình bị phí hoài. Nếu tôi chỉ biết sung sướng cho bản thân mình mà sau này người thân có sự cố, cần tiền thì tôi làm sao có thể giúp được?".
"Tôi không chỉ trích quan điểm sống an phận, nhưng tôi nghĩ cuộc sống mà bỏ đi hai từ 'phấn đấu' thì con người rất vô vị trong tri thức. Sự phấn đấu trong cuộc sống giúp ta trưởng thành hơn, năng động trong công việc và trách nhiệm trong gia đình.
Có mấy ai thoát được bản năng tham - sân - si, có ai tránh được những biến cố cuộc đời, biến nhẹ thì còn gượng dậy được, còn nặng thì có vượt qua được với thu nhập thấp không? Hay lại xin nhờ trợ giúp từ người thân? Bố mẹ già rồi hãy để cho họ nghỉ ngơi, chúng ta cần quan tâm, chăm sóc họ nhiều hơn. Có bao giờ bạn hỏi vợ, con mình xem họ có thấy hạnh phúc khi phải nhịn những ham muốn hưởng thụ đời thường chỉ vì lương bạn thấp hay không?", bạn đọc Cuong.tbmm bổ sung thêm.
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam, mặc dù điều kiện lao động, môi trường làm việc đã được cải thiện nhưng có tới 32,5% công nhân thường xuyên có những bức xúc liên quan đến nơi làm việc. Trong nhóm năm vấn đề bức xúc nhất, 46% công nhân không hài lòng về tiền lương, phúc lợi.
>> Không sống thảnh thơi dù lương 20 triệu
Nói về tư tưởng sống an phận, độc giả Võ Luân cho rằng: "Mỗi người một quan điểm sống. Ví dụ như cá nhân tôi sinh năm 1994, ra trường năm 2017 với thu nhập chỉ bảy triệu đồng mỗi tháng, công việc không có áp lực. Trong khi đó, nhu cầu sống chỉ khoảng năm triệu đồng.
Sau vài lần nhảy việc (2020), thu nhập của tôi tăng lên khoảng 27-35 triệu đồng, bắt đầu có áp lực và va chạm đủ việc, đủ người. Lúc này, nhu cầu sống của tôi cũng chỉ khoảng 10-15 triệu/ tháng (vì có gia đình). Nhưng do có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng nên tôi luôn thúc đẩy bản thân tiến về trước chứ không an phận. Đầu năm 2021, tôi quyết định nghỉ việc, ra làm riêng, dù còn nhiều khó khăn lúc đầu nhưng cũng ổn so với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Nói thế để hiểu, trừ khi bạn thật giàu hoặc gia đình có điều kiện, còn không thì cứ có mục tiêu rõ mà tiến về trước khi còn sức khỏe. Chứ an phận rồi, khi già thiếu trước hụt sau, lúc đó hối hận và cay đắng cũng muộn rồi".
Trong khi đó, nhấn mạnh khái niệm 'tự do tài chính' trước khi sống hưởng thụ, bạn đọc Kolyaucr khẳng định: "Đích đến nên hướng tới là bạn không cần bỏ ra tám tiếng mỗi ngày để có thu nhập 10 triệu/ tháng, mà nên là tối ưu hoá thời gian để có khi không cần đi làm cũng vẫn có số tiền tương tự. Hãy dành thời gian đó để chăm sóc gia đình, nhà cửa. Hay ta còn gọi là 'tự do tài chính'.
Muốn tối ưu hoá sức lao động, bạn cần tự động hoá (thuật toán, máy móc, nhân viên, công ty làm hộ bạn...). Có thể hiện tại bạn hài lòng với mức lương 10 triệu đồng, nhưng sau này lạm phát tăng cao, lớp trẻ nhanh nhạy hơn (sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn bạn), liệu số tiền đó có đủ giúp bạn sống sót?
Tự do tài chính là để tiền làm việc cho bạn, đó mới là mục tiêu cần hướng tới. Chứ bạn đi làm vì lương 10 triệu hay 100 triệu thì cũng vẫn là đang làm vì tiền, chứ không phải tiền phục vụ mình. Chưa bao giờ là quá muộn, hãy thay đổi chút tư duy về tiền, đừng né tránh nó".
>> Theo bạn, tiền nhiều có làm nên hạnh phúc?Gửi bài tại đây. Bài viếtkhông nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.