Người bị tiêu chảy thường mất nước đi kèm triệu chứng như khát, chóng mặt, mệt mỏi, da khô, nước tiểu sẫm màu. Tình trạng nghiêm trọng và kéo dài vài ngày làm tăng nguy cơ biến chứng. Dưới đây là những lưu ý để kiểm soát tình trạng này.
Uống nhiều nước
Uống ít nhất một cốc nước sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng để tránh mất nước. Người bệnh có thể dùng nước ép trái cây, soda không chứa caffeine và nước dùng có ít muối để thay thế nước lọc. Muối làm chậm quá trình mất nước.
Nếu khó uống đủ nước lọc, pha nước ép trái cây, ví dụ nước ép táo, nam việt quất để tăng hương vị, ngon miệng hơn . Nên tiêu thụ đồ uống ở nhiệt độ phòng hoặc hơi ấm. Thức uống quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể gây buồn nôn, làm trầm trọng thêm triệu chứng.
Uống trà thảo dược
Một số trà có chứa thảo dược làm giảm đau dạ dày và tiêu chảy. Theo đánh giá năm 2016 của Trường Đại học Khoa học Y tế Shahrekord (Iran) dựa trên 69 nghiên cứu, trà hoa cúc, bạc hà, cây kế sữa có hoạt tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm và chống tiêu chảy.
Ăn nhiều bữa nhỏ
Ăn quá nhiều thức ăn cùng lúc khiến đường tiêu hóa hoạt động nhiều. Ăn 5-6 bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn mỗi ngày giúp ruột tiêu hóa dễ dàng hơn. Nấu chín kỹ thức ăn và không ăn đồ chiên rán, đồ nướng vì có thể làm bệnh nặng thêm.
Một số chế độ ăn uống cũng có lợi cho người bị tiêu chảy. BRAT là viết tắt của chế độ ăn kiêng gồm chuối (banana-B), cơm (rice-R), táo (apple-A) và bánh mì nướng (toast-T). Kiểu ăn này ít chất xơ, nhạt và giàu tinh bột, giúp thay thế các chất dinh dưỡng bị mất và làm giảm tiêu chảy. Khoai tây luộc, bánh quy giòn, cà rốt nấu chín cũng có lợi ích tương tự.
Rửa tay sạch
Giữ tay sạch, rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và chuẩn bị thức ăn nhằm ngăn các mầm bệnh gây tiêu chảy. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, rửa tay làm giảm khoảng 30% các đợt tiêu chảy. Rửa tay với xà phòng trong ít nhất 20 giây để kháng khuẩn tốt hơn. Thuốc khử trùng tay chứa ít nhất 60% cồn cũng có tác dụng tương tự.
Không ăn rau củ quả gây đầy hơi
Một số món ăn làm tăng lượng khí trong ruột gây đầy hơi, có thể khiến bệnh trầm trọng. Các loại rau củ quả này gồm đậu, bông cải xanh, bắp cải, súp lơ trắng, các loại rau lá xanh. Ngoài ra, bánh quy, bánh ngọt cũng làm tăng triệu chứng.
Không uống caffeine, rượu, nước ngọt
Theo Viện Y khoa Mỹ, caffeine và rượu gây kích ứng đường tiêu hóa và khiến tiêu chảy nặng hơn. Nước ngọt chứa si rô có hàm lượng fructose cao gây khó chịu, đau bụng. Nghiên cứu công bố năm 2017 của Trường Đại học Rowan (Mỹ) trên 25 người mắc hội chứng ruột kích thích cho thấy tiêu thụ một lượng lớn đường fructose dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy. Fructose là loại đường đơn có nhiều trong trái cây..
Hạn chế tập thể dục
Tập thể dục gắng sức có khả năng gây mất nước, đau dạ dày, buồn nôn và ợ chua, làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Hạn chế tập luyện cho đến khi khỏi bệnh.
Cân nhắc dùng thuốc
Một số loại thuốc không kê đơn giúp giảm viêm ruột và tiêu diệt các sinh vật gây tiêu chảy. Tuy nhiên, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, nên hỏi bác sĩ trước khi uống để tránh rủi ro và tác dụng phụ.
Người bệnh nên đến bác sĩ khám nếu tiêu chảy kéo dài hơn hai ngày, đau bụng dữ dội hoặc đau ở trực tràng, mất nước, mệt mỏi quá mức, sốt từ 38 độ C trở lên, phân có máu hoặc màu đen.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |