Trả lời:
Ho kéo dài trên 2 tuần là tình trạng khá phổ biến ở hầu hết trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus. Theo nghiên cứu tại Mỹ, thời gian trung bình của các cơn ho không do vi khuẩn là 18 ngày. Tuy nhiên khảo sát cho thấy hầu hết mọi người đều nghĩ rằng ho thường chỉ kéo dài từ 7-9 ngày. Sự chênh lệch về thời gian kỳ vọng, thực tế khiến nhiều người lo lắng khi cơn ho không chấm dứt sớm đúng như mong đợi.
Ho là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý, do đó nó chỉ biến mất khi loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh. Ho kéo dài từ 2-3 tuần thường do cảm cúm, cảm lạnh, ho gà, viêm mũi dị ứng hoặc không do dị ứng, viêm xoang cấp, đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... Ho từ 3-8 tuần gọi là ho bán cấp, thường do nhiễm khuẩn đường hô hấp, hen suyễn. Ho trên 8 tuần là ho mạn tính, có thể do chảy dịch mũi sau, hen suyễn, COPD, giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính, trào ngược dạ dày thực quản, lao phổi, ung thư phổi...
Trong nhiều trường hợp, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng điều trị ho, như khi nguyên nhân gây ho là do virus cảm cúm, cảm lạnh. Thuốc ho và thuốc cảm không kê đơn có thể giảm cơn ho nhờ làm khô chất nhầy, ức chế phản xạ ho, nhưng không thể tiêu diệt virus gây bệnh để chấm dứt hoàn toàn cơn ho. Ngoài ra, dùng thuốc ho còn có thể làm che lấp triệu chứng của bệnh dẫn đến khó chẩn đoán, do đó chỉ nên sử dụng khi ho nhiều gây khó chịu hoặc có nguy cơ biến chứng.
Đặc biệt lưu ý không dùng thuốc ho cho trẻ em dưới 6 tuổi. Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu Australia (TGA) khuyến cáo không nên cho trẻ em dưới 6 tuổi dùng các loại thuốc ho, thuốc cảm lạnh, bao gồm thuốc giảm ho, thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi và các loại thuốc kết hợp, vì có thể gây hại cho trẻ và có rất ít bằng chứng về lợi ích của chúng. Trẻ từ 7-11 tuổi khi sử dụng những thuốc này phải có sự tham khảo từ bác sĩ.
Để giảm thiểu triệu chứng ho tại nhà, người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, tránh vận động mạnh, tránh tiếp xúc với khói thuốc. Một số cách giảm ho tại nhà khá hiệu quả như tắm nước nóng, xông hơi, súc họng bằng nước muối, kê cao gối khi ngủ để giảm chất nhầy đọng trong cổ họng. Đồ uống nóng có tác dụng làm dịu cơn ho, trong đó nước chanh pha mật ong có công dụng như một loại thuốc trị ho. Cách pha như sau: vắt nửa quả chanh vào cốc nước đun sôi, thêm 1 đến 2 thìa cà phê mật ong và uống khi nước còn ấm, lưu ý không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.
Trường hợp của bạn và con cần theo dõi thêm vì vẫn nằm trong khoảng thời gian an toàn của cơn ho cấp tính. Nếu có một trong các yếu tố dưới đây thì cần đi khám bác sĩ: cơn ho kéo dài hơn 3 tuần; ho nhiều đến mức không thể ngừng lại; ho kèm theo sốt cao, đau tức ngực; giảm cân không rõ lý do; sưng hạch vùng cổ; khó thở; mắc bệnh gây suy giảm miễn dịch như tiểu đường hoặc dùng hóa trị... Nếu thấy ho ra máu, bạn cần đến bệnh viện để khám, điều trị càng sớm càng tốt.
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Duy Hưng
Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội