Bao bọc xung quanh khớp gối là màng hoạt dịch. Bên trong màng này có chứa các tế bào tiết ra dịch khớp gối, giúp giảm ma sát khi vận động, cũng như cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, từ đó kéo dài tuổi thọ khớp. Màng hoạt dịch cũng chứa các thực bào có khả năng tiêu diệt những virus, vi khuẩn hoặc các tác nhân gây hại xâm nhập vào khớp gối, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
Ngoài ra, các đầu mút tận thần kinh, mạch máu chịu trách nhiệm nuôi dưỡng tế bào và duy trì cảm giác của khớp gối cũng nằm trong màng hoạt dịch. Khi màng hoạt dịch hoạt động bất thường, làm tăng sinh quá mức dịch bên trong khớp gối, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Tình trạng này được gọi là tràn dịch khớp gối. Lúc này, người bệnh sẽ nhận thấy khớp sưng to, đặc biệt là vào sáng sớm; cảm giác bập bềnh, phập phồng khi chạm vào xương bánh chè...
ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, dịch khớp gối chỉ nên được chọc hút trong trường hợp tràn dịch nhiều, gây áp lực lên khớp gối, dẫn đến hiện tượng căng đau khớp. Ngoài ra, tràn dịch không phải là bệnh lý mà đó chỉ là triệu chứng cảnh báo một bất thường về sức khỏe đang diễn ra. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút dịch để xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Các nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối được chia thành 3 nhóm chính là:
Chấn thương: Trong sinh hoạt hàng ngày hoặc chơi thể thao, các cấu trúc bên trong khớp gối đều có thể bị tổn thương gây tràn dịch. Các chấn thương thường gặp như rách dây chằng, rách sụn chêm hoặc gãy xương ở 2 đầu khớp gối...
Viêm: phản ứng viêm tại chỗ màng hoạt dịch do thoái hóa khớp gối. Khi lớp sụn ở hai đầu xương bị tổn thương sẽ hình thành các mảnh vụn khớp gối, gây ra phản ứng viêm, từ đó kích thích tăng tiết dịch khớp gối. Ngoài ra, dù ít gặp hơn nhưng viêm tràn dịch khớp gối cũng có thể xảy ra do bệnh hoạt mạc u nhú sắc tố, ung thư màng bao khớp... Nếu chấn thương tại khớp gối lặp lại thường xuyên và không được điều trị đúng cách sẽ hình thành hiện tượng viêm màng hoạt dịch mạn tính.
Bệnh lý tự miễn toàn thân: Đây cũng là nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối. Những bệnh lý này bao gồm viêm khớp dạng thấp thường gặp ở phụ nữ hoặc viêm cột sống dính khớp phổ biến ở nam giới, gout, viêm khớp vảy nến, rối loạn đông máu...
Để giảm bớt các triệu chứng khó chịu của tràn dịch khớp gối, người bệnh nên chườm lạnh ngay khi chấn thương hoặc xuất hiện triệu chứng viêm. Thao tác này sẽ giúp co mạch máu, từ đó giảm sưng.
Bác sĩ An Duy nhấn mạnh, để điều trị dứt điểm tình trạng này, các bác sĩ cần tìm ra nguyên nhân gây tràn dịch, từ đó có phương án điều trị thích hợp. Nếu không, tình trạng tràn dịch sẽ không ngừng tái phát dù đã được chọc hút dịch ra ngoài nhiều lần. Các nguyên nhân gây tràn dịch, tình trạng sụn khớp và dịch khớp sẽ được chẩn đoán thông qua hình ảnh MRI, X - Quang, siêu âm...
Nếu tràn dịch khớp gối không được điều trị kịp thời, phản ứng viêm kéo dài sẽ làm dày xơ màng bao khớp. Lúc này, dù đã điều trị thành công nguyên nhân gây tràn dịch nhưng khớp gối vẫn không thể trở lại trạng thái bình thường, vẫn còn sưng, chọc hút ra rất ít hoặc không ra dịch. Khi đó, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật nội soi để cắt màng bao khớp. Ngoài ra, tràn dịch khớp gối còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xơ cứng, dính khớp, bại liệt, tàn phế... Vì vậy, hãy đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám ngay khi xuất hiện dấu hiệu tràn dịch khớp gối.
Phi Hồng