Bà Mai không có biểu hiện đặc trưng, thỉnh thoảng ăn uống khó tiêu, đầy bụng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra sức khỏe định kỳ. Kết quả nội soi cho thấy bà có khối u ở bờ cong nhỏ dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản, có vi khuẩn Hp. Kết quả sinh thiết u dạ dày ác tính.
Ngày 5/9, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết người bệnh được phẫu thuật cắt dạ dày nhằm ngăn khối u phát triển và xâm lấn, di căn sang các cơ quan khác. Sau gây mê nội khí quản, bác sĩ đưa dụng cụ nội soi vào bụng, kiểm tra gan, lách, phúc mạc không thấy nốt di căn. Tiếp cận khối u ở góc bờ cong nhỏ dạ dày, bác sĩ ghi nhận u chưa xâm lấn sang thanh mạc song phát hiện thêm 51 hạch mọc dày ở mạch máu xung quanh u. "Các hạch này cần được nạo vét sạch để phòng ngừa tế bào ung thư di căn", bác sĩ Hùng nói.
Bác sĩ Hùng và êkíp cắt bán phần dạ dày chứa khối u xuất hiện, đồng thời nạo sạch các nhóm hạch. Sau đó, bác sĩ đưa ruột non lên tạo hình nối với đoạn dạ dày còn lại (nối dạ dày và quai đầu hỗng tràng). Trong quá trình nội soi đại tràng trước mổ để đánh giá bệnh tổng quan hơn, các bác sĩ còn phát hiện bà Mai có polyp đại tràng nên cắt bỏ ngay trong quá trình nội soi. Kết quả giải phẫu là polyp tăng sản lành tính.
Hậu phẫu, bà phục hồi tốt, có thể đi lại sau một ngày. Ba ngày sau, bà tập ăn thức ăn lỏng và dần chuyển sang đặc, xuất viện sau 5 ngày.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy ung thư dạ dày giai đoạn một. Đây là giai đoạn ung thư sớm, tế bào ung thư mới xuất hiện ở lớp niêm mạc (lớp trong cùng của thành dạ dày) và chỉ xâm nhập đến lớp hạ niêm mạc, chưa xâm nhập mạch hay thần kinh. 51 hạch được xét nghiệm chưa có tế bào ung thư di căn.
Bác sĩ Minh Hùng cho biết nhờ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, bà Mai được lấy trọn khối u, khả năng điều trị thành công cao, tỷ lệ sống sau 5 năm là trên 70%. Bà không cần điều trị thêm mà chỉ khám và theo dõi sức khỏe định kỳ.
Ung thư dạ dày thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Lúc này điều trị cần áp dụng các phương pháp đa mô thức như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích, chăm sóc và điều trị giảm nhẹ. Bác sĩ Minh Hùng khuyến cáo mọi người cần khám, tầm soát sức sức khỏe định kỳ bên cạnh sống khoa học. Người có nguy cơ cao như từ 40 tuổi trở lên, có người thân mắc bệnh ung thư dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm dạ dày mạn tính, polyp dạ dày... nên tầm soát 2-3 năm một lần.
Theo bác sĩ Hùng, nội soi đường tiêu hóa hiện được xem là "tiêu chuẩn vàng" giúp phát hiện và điều trị khỏi ung thư đường tiêu hóa giai đoạn sớm. Khi nội soi không đau, người bệnh được gây mê và ngủ trong khi nội soi nên không có cảm giác khó chịu. Hệ thống máy nội soi hiện đại, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cảnh báo polyp hoặc ung thư ngay khi nội soi, không bỏ sót bất thường. Cùng với công nghệ 4K sắc nét, độ phóng đại gấp hàng trăm lần, nguồn ánh sáng giúp phát hiện sớm polyp, ung thư, viêm loét đường tiêu hóa.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu niêm mạc để sinh thiết, từ đó đưa ra hướng điều trị kịp thời. Nếu có các tổn thương nghi ngờ ác tính phát hiện ở giai đoạn sớm, bác sĩ cắt tách niêm mạc nội soi (ESD) hoặc cắt hớt niêm mạc (EMR) qua nội soi, giúp triệt căn hoàn toàn, ngăn tổn thương tiến triển và xâm lấn các tổ chức xung quanh.
Quyên Phan
* Tên bệnh nhân đã thay đổi
20h, ngày 5/9, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tư vấn trực tuyến "Ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa: Tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm Ung thư, Polyp, bất thường đường tiêu hóa". Chương trình được phát trực tiếp trên fanpage VnExpress.
Các bác sĩ tham gia tư vấn gồm TS.BS Đỗ Minh Hùng, TS.BS Phạm Hữu Tùng và TS.BS Phạm Công Khánh. Độc giả gửi câu hỏi tại đây.