Trả lời:
Nang gan là các tổn thương gồm một hay nhiều khoang chứa dịch bên trong nhu mô gan. Bệnh không có triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ khi thực hiện những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
Nang gan được phân ra nhiều loại như nang gan đơn giản, đa nang, u nang đường mật, u nang nhầy. Trong đó, nang gan đơn giản là loại nang thường gặp nhất. Nang đơn giản có cấu trúc thành mỏng và nhẵn, được lót bằng lớp biểu mô hình khối, tiết dịch lỏng trong, không thông với đường mật trong gan. Kích thước nang đơn giản có thể thay đổi đường kính từ vài mm tới vài chục cm.
Nguyên nhân hình thành nang gan vẫn chưa được xác định. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ như bẩm sinh do đột biến gene trội RKCSH, SEC63 hay gene PKD1, PKD2, bất thường ống mật trong quá trình phôi thai phát triển. Ký sinh trùng, virus, nhiễm nang sán, vi khuẩn lao, cấu trúc của gan, biến chứng dị tật trong ống gan cũng là yếu tố hình thành nang gan.
Tùy thuộc vào từng loại, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Người có u nang gan đơn giản không có triệu chứng chỉ cần theo dõi thường xuyên thông qua xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, trong vòng 3-12 tháng. Nếu u nang ổn định, không cần theo dõi thêm.
Trường hợp u nang tăng kích thước hoặc gây triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị theo phương pháp chọc hút bằng kim, tiêm chất gây xơ cứng, dẫn lưu, phẫu thuật cắt bỏ gan...
Phần lớn nang gan đơn giản có thể tự theo dõi mà không cần chữa trị. Các phương pháp thường được chỉ định trong điều trị nang gan gồm nội khoa và ngoại khoa. Trong điều trị nội khoa, người bệnh được cho dùng thuốc để giảm triệu chứng hoặc điều trị đặc hiệu đối với nang gan do sán gan hay vi khuẩn lao.
Với nang gan kích thước lớn hơn 5 cm, có triệu chứng đi kèm, chèn ép lên các bộ phận khác hoặc ác tính, người bệnh cần can thiệp ngoại khoa. Bác sĩ phẫu thuật nội soi để cắt bỏ nang gan hoặc cắt gan, nhất là trường hợp bị u nang nhầy tân sinh hay ung thư nang tuyến. Nếu đa nang gan chảy máu nhiều khiến người bệnh bị đau dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng gan, bác sĩ cân nhắc cho người bệnh ghép gan.
U nang kích thước lớn, không được can thiệp kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như vỡ nang, xuất huyết, nhiễm trùng, tắc nghẽn đường mật... Khi u nang xuất huyết, người bệnh thường đau bụng dữ dội, dễ nhầm lẫn với u nang đường mật lành tính hay ung thư biểu mô tuyến đường mật ác tính trên kết quả chẩn đoán.
Nhiễm trùng nang cũng có nguy cơ xảy ra. Biến chứng này thường liên quan tới mầm bệnh gram âm với tỷ lệ tử vong khoảng 9%. Tắc nghẽn đường mật khi những tổn thương dạng nang tăng kích thước. U nang khi vỡ vào đường mật có thể gây viêm đường mật thứ phát. Biến chứng nguy hiểm từ u nang Echinococcus (EC) là sốc phản vệ, có thể xảy ra khi nang bị vỡ. Một số biến chứng ít gặp khác như tắc nghẽn tĩnh mạch gan, huyết khối tĩnh mạch chủ dưới...
Trường hợp của bạn cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, duy trì khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Tùy tình trạng bệnh của bạn, bác sĩ đưa ra hướng can thiệp phù hợp, ngăn ngừa các tiến triển nghiêm trọng.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Khoa
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |