Nang gan thường được phát hiện tình cờ trên kết quả chẩn đoán hình ảnh. Bệnh không có triệu chứng đặc hiệu, có thể liên quan đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, vỡ, chèn ép đường mật.
ThS.BS Lê Khoa, Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nang gan có nhiều dạng, với kích thước, mức độ nghiêm trọng và tổn thương khác nhau.
Nang đơn giản là dạng nang gan phổ biến nhất. Cấu trúc thành mỏng, nhẵn, được lót bằng một lớp biểu mô hình khối, tiết ra dịch lỏng, trong suốt và không thông với đường mật trong gan. Nguyên nhân hình thành nang đơn giản vẫn chưa được xác định chính xác. Hầu hết đều liên quan đến các yếu tố bẩm sinh xuất phát từ các ống mật bất thường trong quá trình phát triển phôi thai. Kích thước đường kính nang có thể thay đổi từ vài mm đến vài chục cm.
Gan đa nang xảy ra khi có ít nhất 20 tổn thương dạng nang trên gan, liên quan đến đột biến của hai gene PRKCSH và SEC63. Gan đa nang hình thành do suy giảm lông mao trong đường mật, dẫn đến tăng sinh tế bào ống mật, các ống mật bất thường tách ra khỏi đường mật và giãn dần, tạo thành các nang. Gan đa nang chủ yếu là bẩm sinh, chỉ giới hạn ở gan hoặc có thể liên quan đến bệnh thận đa nang nhiễm sắc thể thường trội.
U nang đường mật là sang thương tiến triển chậm, hình thành từ các ống mật, cơ chế hình thành vẫn chưa xác định chính xác. Bác sĩ Khoa dẫn một số giả thuyết cho rằng đây là bệnh bẩm sinh, hình thành từ tình trạng lạc nội mạc tử cung, sự bất thường của ống mật phôi thai hoặc thứ phát sau quá trình cấy ghép. Cấu trúc khối u là một dạng hỗn hợp không đồng nhất, cấu tạo gồm các vách ngăn chứa thành phần chất nhầy (95%) hoặc huyết thanh (5%).
U nang nhầy là tập hợp u nang được tạo thành từ hai loại u nang gan phức tạp phổ biến nhất là u nang đường mật và ung thư biểu mô tuyến đường mật ác tính, kết hợp với các u nhú nội mô. Trong đó, u nang đường mật là tổn thương đa ngăn có nguồn gốc từ biểu mô đường mật, kích thước 1,5-35 cm, được tìm thấy nhiều nhất ở thùy phải của gan. Về mặt mô học, cấu tạo nang gồm có ba lớp là collagen bên ngoài, đệm và một lớp biểu mô trụ tiết chất nhầy. Xác suất biến đổi ác tính từ u nang đường mật thành ung thư biểu mô tuyến đường mật ác tính là 20-30%.
Theo bác sĩ Khoa, u nang kích thước lớn có thể gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại như vỡ nang, xuất huyết, nhiễm trùng, tắc nghẽn đường mật... Người bệnh có u nang xuất huyết thường bị đau bụng dữ dội. Tình trạng này rất dễ nhầm lẫn với u nang đường mật lành tính hoặc ung thư biểu mô tuyến đường mật ác tính trên kết quả chẩn đoán hình ảnh.
Tắc nghẽn đường mật xảy ra khi kích thước nang tăng lên. Nang vỡ vào đường mật có thể gây ra viêm đường mật thứ phát.
Tùy theo từng loại nang gan, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như chọc hút bằng kim, dẫn lưu, phẫu thuật cắt bỏ gan... Người bệnh cần ăn uống, sinh hoạt lành mạnh bằng cách hạn chế uống sữa giàu protein, đồ uống chứa caffeine, hạn chế ăn muối, sử dụng thuốc chống viêm không steroid, kiểm soát cân nặng ổn định, tập thể dục mỗi ngày, bỏ thuốc lá.
Bác sĩ Khoa khuyến cáo nên khám sức khỏe định kỳ để được chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh (nếu có).
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |