Nắng nóng là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi, phát triển nhanh. Vào thời điểm này, tỷ lệ người mắc các bệnh tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, kiết lỵ, ngộ độc thực phẩm... gia tăng. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến bệnh tiêu hóa có xu hướng tăng cao mùa nắng nóng.
Thực phẩm dễ nhiễm khuẩn, biến chất
Tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn salmonella, botulinum, e.coli, campylobacter, listeria... gây ra. Tốc độ phát triển của những vi khuẩn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như oxy, nhiệt độ, độ ẩm, độ axit... Chúng phát triển mạnh trong môi trường có nhiệt độ từ 5-60 độ C, có thể nhân đôi số lượng chỉ sau 20 phút ở nhiệt độ khoảng 32-43 độ C. Từ một con vi khuẩn, sau 8 giờ có thể nhân thành gần 17 triệu con.
Trời nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, biến chất nếu không bảo quản đúng cách, nhất là các loại có nguồn gốc động vật, giàu đạm, chứa nhiều dầu như thịt, cá, hải sản, sữa và các chế phẩm từ sữa.... Khi bạn ăn chúng vào cơ thể, vi khuẩn sẽ sinh ra độc tố gây ra các triệu chứng ngộ độc, rối loạn tiêu hóa.
Theo Tiến sĩ Khanh, để tránh mắc bệnh tiêu hóa, bạn nên lựa chọn thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng rõ ràng. Các nguyên tắc an toàn thực phẩm cần tuân thủ như ăn chín, uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi ăn và chế biến. Khâu chế biến và bảo quản thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh. Tốt nhất bạn nên nấu một lượng thức ăn vừa đủ và sử dụng trong vòng 2 giờ. Nếu còn thừa, bạn đun lại ngay sau khi ăn, sau đó mới bảo quản lạnh ở nhiệt độ dưới 5 độ C.
Thức ăn sau khi chế biến để ở nhiệt độ phòng từ 4 giờ trở đi nên bỏ do có thể đã bị vi khuẩn tấn công. Sau 3-4 ngày, dù bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C, thức ăn vẫn có thể bị hỏng và gây ngộ độc. Do đó, bạn không nên sử dụng lại đồ ăn thừa sau 4 ngày trữ trong ngăn mát tủ lạnh.
Các loại thực phẩm tươi sống khi mua về không nên để ở nhiệt độ phòng mà cần rửa sạch ngay rồi bảo quản trong tủ lạnh và dùng tối đa trong 3-5 ngày. Tránh để lẫn thực phẩm sống với chín, rau xanh, hoa quả. Một số loại bảo quản trong hộp, chai lọ kín như thịt, cá đóng hộp, cá ủ chua, thịt muối, dưa cà muối chua không đủ độ mặn, có nguy cơ ngộ độc do vi khuẩn kỵ khí clostridium botulinum cao nên khi sử dụng cần lưu ý. Thức ăn sau khi chế biến nên che đậy cẩn thận để tránh chuột, ruồi, gián... xâm nhập.
Mất cân bằng dinh dưỡng
Cơ thể thường tiết nhiều mồ hôi để làm mát cơ thể khi nắng nóng, khiến mất nước và chất điện giải, dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, vùng dưới đồi trong não bộ có chức năng điều hòa thân nhiệt và kiểm soát cảm giác thèm ăn. Do quá trình tiêu hóa cũng sinh nhiều nhiệt lượng nên để giảm bớt gánh nặng công việc, vùng dưới đồi sẽ ngăn cản sự thèm ăn. Vì vậy, vào mùa hè mọi người thường khát nước nhiều hơn đói.
Cơ thể mệt mỏi, chán ăn dẫn đến ăn uống thất thường. Nhiều người có xu hướng bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ, bữa ăn qua loa không đảm bảo dinh dưỡng hoặc lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối và dầu mỡ nhưng lại ăn ít rau xanh, hoa quả. Sự mất cân bằng dinh dưỡng khiến sức khỏe giảm sút. Do đó, khi tiếp xúc với thực phẩm nhiễm khuẩn, bạn dễ mắc bệnh. Cơ thể mất nước, chế độ ăn ít chất xơ tăng nguy cơ táo bón và các bệnh hậu môn trực tràng như trĩ, viêm đại tràng...
Thói quen giải nhiệt không đúng cách
Tiến sĩ Khanh cho biết, nhiều người Việt có thói quen "giải nhiệt" bằng bia rượu, nước tăng lực, nước giải khát có ga trong những ngày hè. Uống rượu bia khi trời nóng làm giảm hoặc mất cảm giác nóng, nhưng nhiệt độ cơ thể không giảm. Bia rượu làm tăng lợi tiểu, dễ gây mất nước trong thời tiết nóng. Chất cồn trong các thức uống này còn làm chết lượng lớn lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Nếu uống nhiều thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý dạ dày, ruột.
Nước tăng lực có khả năng tăng co bóp của đường tiêu hóa, tăng nhu động ruột, gây đi ngoài phân lỏng. Chất tạo ngọt hoặc rượu đường trong nước tăng lực như maltitol, xylitol khiến khó tiêu, đầy chướng bụng do chúng không thể bị phá vỡ và chuyển hóa bởi vi khuẩn đường ruột. Nước ngọt có ga chứa nhiều khí carbon dioxide dẫn đến đầy hơi, chướng bụng, tăng các triệu chứng trào ngược dạ dày.
Nắng nóng khiến nhiều người có xu hướng ăn uống đồ lạnh. Trong khi thói quen này có thể gây khó tiêu, nhất là sau bữa ăn nhiều dầu mỡ.
Tiến sĩ Khanh cho biết thêm, sau khi nhiễm virus, vi khuẩn khoảng 2 ngày, người bệnh có thể nôn hoặc buồn nôn, sốt, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, kéo dài khoảng 3-10 ngày. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp nhiều hệ lụy về sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng trong trường hợp ngộ độc nguy hiểm. Do đó, khi có những dấu hiệu mắc bệnh tiêu hóa, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Để tránh mắc bệnh tiêu hóa trong những ngày hè, mọi người nên có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý như ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, uống đủ nước, hạn chế đồ ăn cay nóng và chất kích thích (rượu bia, cà phê, thuốc lá...), ngủ đủ giấc, tập thể thao đều đặn hàng ngày.
Trịnh Mai