Nang ngực hay u nang tuyến vú là túi chứa dịch bên trong ngực, thường nhỏ như quả nho hoặc bong bóng chứa nước. Nang phát triển do tích tụ chất dịch bên trong các tuyến ở vú. Các nang kích thước nhỏ được nhìn thấy khi chụp nhũ ảnh, siêu âm... Nang lớn có thể sờ thấy và phát triển từ 2,5 đến 5 cm.
BS.CKI Đỗ Anh Tuấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết u nang tuyến vú có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Chỉ một tỷ lệ nhỏ nang vú xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh. 1% nang ngực trở thành ung thư. Nang không làm tăng nguy cơ ung thư vú nhưng gây khó phát hiện khối u mới hoặc bất thường trên ngực.
Hiện, chưa biết rõ nguyên nhân gây u nang tuyến vú. Một số yếu tố như thay đổi nội tiết tố mỗi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng làm tăng nguy cơ xuất hiện nang. Phụ nữ có thể sờ thấy một khối tròn hoặc bầu dục nhẵn, dễ di chuyển, bề mặt trơn láng. Kích thước nang ngực tăng lên và căng tức ở ngực ngay trước kỳ kinh nguyệt.
Để chẩn đoán u nang tuyến vú, bác sĩ kết hợp khám, siêu âm, chụp nhũ ảnh, chọc hút kim nhỏ hoặc sinh thiết. Các nang lớn và các chùm nang nhỏ được nhìn thấy trên phim chụp nhũ ảnh. Các nang nhỏ thường khó hoặc dễ bỏ sót. Dưới hình ảnh siêu âm, nang ngực thể hiện các khối chứa dịch hay đặc.
Khối chứa đầy chất dịch thường là nang ngực, khối dạng đặc có thể là u vú lành tính (u sợi tuyến) hoặc ung thư vú. Sinh thiết bằng kim hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác.
Theo bác sĩ Tuấn, nang ngực thường không cần điều trị trừ khi nang to quá, gây đau. Trường hợp nang to nên chọc hút dịch nang để giảm triệu chứng. Bác sĩ đưa kim mỏng dưới hướng dẫn siêu âm vào nang và rút bỏ chất dịch. Nếu chất lỏng có máu, bác sĩ gửi mẫu để xét nghiệm.
Nếu nang vẫn tồn tại, khối ở ngực cứng hơn hoặc có thay đổi trên da, nên đi khám sớm. Khi nang ngực tái phát hàng tháng, chứa dịch lẫn máu hoặc có dấu hiệu bất thường..., bác sĩ cân nhắc phẫu thuật và đánh giá thêm.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo mọi người không tự ý sử dụng hormone nội tiết, như thuốc tránh thai vì dễ bị u nang tuyến vú. Phụ nữ kiểm tra sức khỏe định kỳ; mặc áo ngực vừa vặn; tránh sử dụng hormone nội tiết khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi có nang ngực, nữ giới nên bác sĩ khám, kiểm tra thường xuyên để sớm phát hiện bất thường và điều trị phù hợp.
Đức An
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |