Bác sĩ Nguyễn Tiến Huy, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nam giới có khả năng sản xuất tinh trùng suốt cuộc đời. Giai đoạn tinh trùng khỏe mạnh và có khả năng thụ tinh thành công cao nhất khoảng 22-25 tuổi.
Tuy nhiên, hầu hết đàn ông ở tuổi này chưa muốn có con do còn trẻ, cuộc sống và công việc chưa ổn định. Xu thế kết hôn muộn, theo đuổi sự nghiệp và học vấn, đồng thời các biện pháp tránh thai có nhiều cải thiện, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày càng phát triển... khiến nhiều cặp vợ chồng trì hoãn sinh con.
"Chức năng sinh sản không mất đi nhưng theo thời gian khả năng sinh sản của nam giới bị suy giảm," bác sĩ nói, dẫn các nghiên cứu cho thấy khả năng sinh sản của nam giới bắt đầu giảm khoảng 23% ở độ tuổi cuối 40. Khả năng thụ thai trong khoảng thời gian 12 tháng ở đàn ông trên 40 tuổi thấp hơn 30% so với người dưới 30 tuổi.
Nguyên nhân là do mức testosterone giảm dần theo tuổi tác, gây rối loạn cương dương, giảm ham muốn và lượng tinh dịch, từ đó làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới. Một số nghiên cứu cho thấy sau tuổi 30, nồng độ testosterone ở đàn ông giảm khoảng 1% mỗi năm.
Các chỉ số tinh dịch đồ gồm khả năng vận động, hình thái, nồng độ, tính toàn vẹn DNA của tinh trùng cũng suy giảm đáng kể theo tuổi tác. Nghiên cứu được thực hiện tại Israel dựa trên hơn 6.000 mẫu tinh dịch cho thấy lượng tinh dịch đạt đỉnh ở độ tuổi 30-35. Tinh trùng di chuyển tốt nhất trước 25 tuổi và thấp nhất sau 55 tuổi. Cứ sau 5 năm, khả năng vận động của tinh trùng giảm khoảng 1,2%, hình thái bình thường giảm 0,2-0,9% mỗi năm.
Chất lượng tinh trùng suy yếu, tăng nguy cơ đột biến hoặc bất thường về mặt di truyền. Bác sĩ Huy cho biết một số trường hợp nam giới có các chỉ số tinh dịch đồ nằm trong giới hạn bình thường nhưng vẫn vô sinh. Nguyên nhân có thể liên quan đến sự phân mảnh DNA gia tăng ở những nam giới lớn tuổi. 35 tuổi được xem là ngưỡng có sự gia tăng tổn thương DNA và rút ngắn quá trình tự hủy của tinh trùng. Người trên 50 tuổi có tỷ lệ xuất hiện chỉ số phân mảnh DNA cao hơn nhiều lần so với dưới 30 tuổi.
Càng nhiều tuổi, tỷ lệ tinh trùng, phôi lệch bội và sai lệch nhiễm sắc thể càng tăng. Các thể lệch bội nhiễm sắc thể phổ biến nhất ở tinh trùng được tìm thấy ở nhiễm sắc thể 21, 22 và nhiễm sắc thể giới tính X/Y. Trong đó, tỷ lệ lệch bội tinh trùng cao hơn đáng kể ở nam giới trên 40 tuổi cao hơn ở người trẻ.
Nguy cơ tinh binh bị tổn thương tích lũy do tiếp xúc với chất độc hại từ môi trường sống, mắc bệnh nhiễm trùng, sử dụng thức uống có cồn, thuốc lá và các chất kích thích cũng tăng lên theo độ tuổi. Khả năng chống oxy hóa giảm theo tuổi dẫn đến stress oxy hóa, gây sai hỏng DNA và gia tăng quá trình tự chết của tinh trùng trong tinh hoàn.
Thể tích tinh hoàn tăng nhanh ở tuổi dậy thì và đạt đỉnh ở tuổi 30. Từ 40-60 tuổi, thể tích tinh hoàn và quá trình trao đổi chất tương đối ổn định, chỉ giảm ở mức tối thiểu. Sau 60 tuổi, thể tích tinh hoàn giảm đáng kể. Điều này kéo theo sự suy giảm số lượng các tế bào sinh tinh, suy giảm chức năng các tế bào tiết hormone nam giới và những tế bào có chức năng bảo vệ.
Theo bác sĩ Huy, những khiếm khuyết về di truyền của tinh trùng làm giảm khả năng thụ thai. Ngay cả khi thực hiện hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo (IUI), nam giới dưới 35 có tỷ lệ thụ thai thành công là 52%, trên 35 tuổi giảm còn 25%. Nếu thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI), các số liệu báo cáo cho thấy tỷ lệ thụ tinh giảm 0,3% khi tuổi của cha tăng lên một tuổi. Sụt giảm chất lượng tinh trùng còn làm tăng nguy cơ sảy thai, lưu thai hoặc trẻ sinh ra mắc các dị tật bẩm sinh.
Các chuyên gia sức khỏe sinh sản khuyến cáo nam giới nên sinh con trước tuổi 35, lý tưởng là 30 tuổi, khi chất lượng tinh trùng vẫn đảm bảo và duy trì trong 5 năm tiếp theo.
Để cải thiện chất lượng tinh binh, đàn ông nên duy trì lối sống lành mạnh trong ít nhất 3 tháng như bỏ hút thuốc, hạn chế bia rượu, cà phê và dùng chất kích thích, tập thể dục giải tỏa căng thẳng, tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E, D, quả và rau xanh, hải sản.
Nếu có tiền sử nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, chấn thương bìu, mắc bệnh quai bị... dù chưa kết hôn vẫn nên tầm soát sức khỏe sinh sản định kỳ để kịp thời phát hiện bất thường, điều trị dự phòng. Sau một năm sinh hoạt tình dục đều đặn 2-3 lần mỗi tuần (với người vợ trên 35 tuổi là 6 tháng) nhưng không có con, vợ chồng nên đi khám sức khỏe sinh sản toàn diện, điều trị càng sớm càng tốt.
Trường hợp cần thiết, nam giới có thể trữ đông tinh trùng để bảo tồn chức năng sinh sản và sinh con khỏe mạnh trong tương lai. Sau khi rã đông, tinh trùng trở về môi trường sinh lý bình thường, có thể sử dụng để thụ tinh với noãn bằng các kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh ống nghiệm.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |