Trả lời:
Cholesterol là loại chất béo tham gia vào nhiều chức năng thiết yếu trong cơ thể như hỗ trợ sản xuất tế bào và hormone mới, hình thành axit mật, giúp hấp thu vitamin...
Có hai loại cholesterol là lipoprotein mật độ thấp (LDL) và lipoprotein mật độ cao (HDL). Mức cholesterol LDL cao bất thường không tốt cho sức khỏe vì có thể tích tụ và gây tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ đau tim. HDL là loại cholesetrol tốt giúp loại bỏ cholesterol khỏi cơ thể.
Trước đây các chuyên gia từng coi trứng là loại thực phẩm không tốt cho người bệnh mỡ máu cao vì nhiều cholesterol, có thể gây ra các vấn đề về tim. Tuy nhiên, y học hiện nay không xếp trứng vào nhóm thực phẩm xấu với sức khỏe tim mạch.
Cholesterol đến từ thực phẩm chỉ có tác động nhỏ đến tổng hàm lượng của cholesterol trong cơ thể. Phần lớn quá trình sản xuất cholesterol diễn ra ở gan. Yếu tố ảnh hưởng chính đến điều này không phải là lượng cholesterol ăn vào mà do các yếu tố khác như lượng chất béo xấu có trong chế độ ăn uống.
Trứng là thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn hàng ngày, giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, protein và chất béo. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), một quả trứng lớn chứa cholesterol tương đối cao (khoảng 186 mg) nhưng không có tác động lớn đến tổng hàm lượng cholesterol trong cơ thể.
Các yếu tố như di truyền, tiền sử gia đình, cách chế biến trứng, chế độ ăn uống tổng thể có thể ảnh hưởng đến người bệnh mỡ máu cao. Ngoài ra, tổng lượng cholesterol toàn phần trong chế độ ăn uống từ các loại thực phẩm ngoài trứng cũng ảnh hưởng đáng kể.
Nếu chế độ ăn uống hàng ngày ít cholesterol, bạn có thể ăn trứng bình thường. Ngược lại, nếu đã ăn nhiều thực phẩm chứa cholesterol thì bạn nên hạn chế ăn trứng.
Một người trưởng thành khỏe mạnh có mức cholesterol bình thường và không có yếu tố nguy cơ bệnh tim, ăn 1-2 quả trứng mỗi ngày an toàn, tốt cho sức khỏe tổng thể vì trứng rất bổ dưỡng.
Người bệnh cholesterol cao có thể ăn trứng với một số lưu ý sau:
Tránh ăn cùng thực phẩm chứa chất béo xấu: Kết hợp trứng cùng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa dẫn đến tăng cholesterol trong máu. Thực phẩm chứa chất béo bão hòa bao gồm thịt mỡ, thịt gia cầm, các sản phẩm từ sữa giàu chất béo. Chất béo chuyển hóa được làm từ quá trình dầu hydro hóa một phần, có trong các món tráng miệng, bỏng ngô làm từ lò vi sóng, bơ thực vật dạng thanh và kem cà phê.
Tăng cường ăn trứng với rau: Cải xoăn và cải brussel giàu chất xơ hòa tan, hỗ trợ giảm cholesterol. Ăn trứng cùng các loại rau này có thể giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong rau như vitamin E và chất chống oxy hóa carotenoid tốt hơn.
Một số món ăn giúp giảm hàm lượng cholesterol trong trứng vào bữa sáng như chiên trong dầu ô liu, dầu hạt cải thay vì dùng bơ thực vật; ăn cùng salad rau sống thay cho xúc xích và thịt xông khói. Lòng trắng trứng không chứa cholesterol nên đây là lựa chọn lành mạnh hơn.
Người bệnh mỡ máu cao nên khám sức khỏe tim mạch định kỳ, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn bao nhiêu quả trứng mỗi ngày an toàn cho sức khỏe.
ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều
Trưởng khoa Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |