Hôm nay (13/6), ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ (khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết bà Phan Thị Trinh (50 tuổi, Thủ Đức, TP HCM) nhập viện trong tình trạng hôn mê vào ngày 7/6. Người nhà bệnh nhân kể lại, trước đó, bà đang ngồi ăn cơm bỗng kêu "đau nhói đầu như búa bổ, dao đâm" rồi dần bất tỉnh, hôn mê.
Các bác sĩ cấp cứu chụp cắt lớp vi tính khẩn cấp, ghi nhận có túi phình động mạch não giữa bên trái đã vỡ, gây đột quỵ xuất huyết não. Bác sĩ hội chẩn liên chuyên khoa (cấp cứu, ngoại thần kinh và can thiệp mạch), chỉ định mổ cấp cứu lấy khối máu tụ nhằm tránh nguy cơ phù não, liệt.
Theo bác sĩ Vũ, ca mổ ứng dụng robot trí tuệ nhân tạo Modus V Synaptive giúp bác sĩ tiếp cận vào khối máu tụ và kẹp túi phình mạch đã vỡ một cách an toàn, không phạm phải các dây thần kinh nhờ thấy rõ chúng trong suốt quá trình mổ. Nếu làm tổn thương bất kỳ cấu trúc lành nào xung quanh đều có thể gây di chứng yếu, liệt cho người bệnh, nặng hơn là phù não và tử vong.
Đồng thời, ê kíp cũng dùng kính vi phẫu có khả năng chụp huỳnh quang trong lúc mổ để đánh giá túi phình tại chỗ ngay sau khi kẹp. Nếu máu vẫn còn chạy qua túi phình đồng nghĩa túi phình chưa được kẹp hoàn toàn và phải xử lý lại. Bác sĩ Vũ đánh giá kỹ thuật mới này nhằm kiểm tra toàn diện cổ túi phình trước khi đóng nắp hộp sọ. Trước đây, khi kính vi phẫu chưa có chức năng chụp huỳnh quang, phần lớn phẫu thuật viên sau khi kẹp xong tự đánh giá dựa trên kinh nghiệm, không có bằng chứng cụ thể khẳng định túi phình đã được kẹp hết hoặc không có tổn thương các nhánh mạch máu xung quanh.
Ca mổ kéo dài hơn 2 giờ, bệnh nhân không bị mất máu nhiều, lấy được khối máu tụ, kẹp túi phình thành công. Sau mổ 4 ngày, bệnh nhân cải thiện nhiều hơn về sức cơ, đi lại tốt, tự ăn uống, được kiểm tra lại vị trí phình mạch. Sau 5 ngày bệnh nhân có thể xuất viện.
Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một mạch máu trong não bị rò rỉ hoặc vỡ, chiếm khoảng 15-20% các trường hợp đột quỵ, gây chảy máu trong não. Ngoại trừ nguyên nhân do tăng huyết áp, hai loại bệnh lý mạch máu não thường gây ra đột quỵ xuất huyết não là chứng phình động mạch và dị dạng động tĩnh mạch.
Đột quỵ xuất huyết não nguy hiểm, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Nếu không được cấp cứu, người bệnh có thể bị tổn thương não vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong. Phẫu thuật lấy khối máu tụ trong trường hợp đột quỵ xuất huyết não giúp giải quyết tình trạng chèn ép não gây tăng áp lực nội sọ. Đồng thời, cuộc mổ giúp kẹp túi phình để ngăn ngừa nguy cơ mạch máu tái vỡ. Tỷ lệ tái vỡ sau lần đột quỵ đầu tiên có thể diễn tiến trong thời gian ngắn. Nếu không được can thiệp, phẫu thuật, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 90%. Trong khi đó, biện pháp can thiệp nội mạch giúp bít tắc mạch máu có thể được áp dụng trong trường hợp túi phình mạch máu vỡ nhưng không có khối máu tụ. Lựa chọn phương án nào tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Triệu chứng của xuất huyết não bao gồm nhức đầu đột ngột như sét đánh, chóng mặt, buồn nôn, hôn mê bất tỉnh, khó nói, yếu một bên hoặc tê liệt mất cảm giác... Khi có những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để được cấp cứu và can thiệp kịp thời. Ưu tiên hàng đầu thường là giảm lượng máu chảy hoặc cầm máu hoàn toàn bằng các biện pháp chuyên sâu.
Bình An
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về kỹ thuật mổ u não và đột quỵ xuất huyết não bằng robot Modus V Synaptive trí tuệ nhân tạo duy nhất Việt Nam, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức Tuần tư vấn trực tuyến trên báo VnExpress. Chương trình diễn ra từ ngày 8-14/6, độc giả có thể theo dõi và đặt câu hỏi tại đây để được các bác sĩ giải đáp. |