Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa có đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung chính sách trợ cấp con cái người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh thay vì rút một lần. Theo đó, tiền trợ cấp có thể trực tiếp giảm trừ vào học phí, các chi phí học tập của trẻ và khoản này quay lại hỗ trợ cha mẹ đóng Quỹ Bảo hiểm xã hội, nâng mặt bằng tiền đóng BHXH lên, giúp tăng tiền hưởng chế độ, cải thiện lương hưu sau này.
Thấu hiểu gánh nặng con cái là nguyên nhân chính khiến người lao động rời bỏ hưu trí, độc giả Legion Sky nhận định: "Con tôi mới vào lớp 1 đã phải đóng rất nhiều loại tiền, mặc dù chỉ học ở một trường công lập bình thường. Điển hình là tiền điều hòa, tôi hỏi và được biết năm nào học sinh lớp 1 cũng phải đóng tiền mua điều hòa mới, còn điều hòa cũ sẽ được tháo theo lớp cũ. Vậy đến lớp 5 số điều hòa cũ sẽ đi đâu, không một ai trả lời.
Ngoài ra còn tiền quỹ phụ huynh, tiền sách vở, đồng phục, bảo hiểm y tế, tiền học thêm lớp của cô giáo chủ nhiệm (không bắt buộc, nhưng nếu không tham gia thì hậu quả sẽ rất khó nói). Và còn rất nhiều loại tiền khác nữa, tạo gánh nặng cho phụ huynh mỗi đầu năm học.
Với chi phí phát sinh nhiều vào đầu năm, những anh chị em công nhân thất nghiệp cũng có con vào đầu năm học thì họ xoay kiểu gì? Đó là lý do họ vẫn chọn rút BHXH một lần để có chi phí lo cho gia đình, con cái".
Ủng hộ đề xuất miễn giảm học phí để tạo động lực cho người lao động ở lại với BHXH, bạn đọc Tavan bình luận: "Tôi ủng hộ ý kiến nêu trên. Miễn học phí cho trẻ sẽ tạo điều kiện cho trẻ đến trường, cũng là tạo ra nguồn lao động tốt cho đất nước trong tương lai. Ở các nước tiên tiến, ngoài việc miễn học phí, trẻ em còn được hưởng thêm một ít tiền trợ cấp hàng tháng để tiêu xài hoặc mua thêm các dụng cụ học tập".
"Riêng tôi rất ủng hộ ý kiến này. Lý do là nó rất đúng với tâm trạng lo lắng của tôi thời gian qua khi cho con đến lớp. Tôi là một nhân viên lái xe cho một công ty, được ký họp đồng đàng hoàng, nhưng lương không cao. Trong khi đó, chi phí cho con đi học thêm, vợ lại đang thất nghiệp, khiến gánh nặng tài chính đè nặng lên tôi", độc giả Cuongnguyen bày tỏ.
>> Không theo nổi BHXH vì mất việc trước tuổi nghỉ hưu
Tuy nhiên, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Connie Nguyen lại đặt dấu hỏi về hiệu quả của đề xuất này: "Trợ cấp cho con để cha mẹ không rút BHXH một lần là điều tốt nhưng trợ cấp được bao nhiêu và được bao lâu? Người nghèo cần rất nhiều sự trợ giúp. Cha mẹ có được đồng lương ổn định và đều đặn, công việc duy trì thì mới lo toan được cuộc sống gia đình, và có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. Chứ công nhân cứ phải làm tăng ca, đến tuổi trung niên lại bị sa thải, thì họ chỉ còn nước rút BHXH một lần chứ cũng hết cách".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Dinh Khanh nhấn mạnh: "Hỗ trợ con cái không phải là cái gốc rễ của tình trạng rút BHXH một lần. Hãy để ý nhé, những người rút BHXH một lần đa số là công nhân, lao động trong các nhà máy xí nghiệp. Những đối tượng này là những đối tượng yếu thế, có nguy cơ mất việc rất cao ở độ tuổi 40. Khi đó, thời gian tham gia đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu chưa đủ nên họ không thể đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho bản thân và con cái. Chính vì thế họ buộc phải chọn phương án rút BHXH một lần".
"Cái cốt lõi là phải tạo ra thêm công ăn việc làm, khuyến khích sản xuất... để tạo ra công việc cho những người từ 40-60 tuổi. Vì những người này sẽ sớm bị loại khỏi những dây chuyền công nghiệp. Còn hỗ trợ con cái họ thế nào đi nữa cũng sẽ không thể ngăn được người ta rút hết một lần nếu không có công việc ổn định ở tuổi trung niên", bạn đọc Đinh Trung nói thêm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.