Năm học mới bắt đầu, với các em học sinh, sinh viên, đó sẽ là niềm vui khi được gặp lại bạn bè, thầy cô, hoặc niềm háo hức khi bước vào một môi trường mới sau một kỳ nghỉ hè. Nhưng đối với các bậc phụ huynh, đây lại là thời điểm bắt đầu một nỗi ám ảnh về tiền bạc với một danh sách dài rất nhiều khoản phải chi chờ đợi sẵn.
Mua sắm cho con mỗi đầu năm học là chuyện không thể không làm, nên các bậc phụ huynh, dù có gặp khó khăn đến đâu, cũng tìm mọi cách sắm sửa cho con em mình ít nhất cũng phải ở mức tối thiểu, đủ dùng khi vào lớp. Bài toán cân đối tài chính cho việc sắm sửa đồ dùng học tập, các khoản học phí, khoản thu tự nguyện, quần áo, giày dép... khiến không ít phụ huynh trăn trở, nhất là công nhân, nông dân, công chức, viên chức, lao động nghèo khi họ vẫn đang phải vật lộn với hàng loạt khoản chi tiêu hằng ngày.
Sau mấy năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều phụ huynh bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm. Thay vì rộn ràng chuẩn bị ngày khai giảng, nhiều gia đình vẫn đang bị đè nặng trong mối lo cơm, áo, gạo, tiền. Đặc biệt, những khoản tiền đóng đầu năm học mới, tiền sách vở, đồ dùng học tập... cả trăm việc phải chuẩn bị cho con đến trường cũng khiến các bậc cha mẹ lo lắng.
Với nhiều phụ huynh, tiền sách vở, tiền cơ sở vật chất, đồng phục học sinh, quỹ trường, quỹ lớp, các khoản thu tự nguyện... là những khoản chi phí lớn nhất đầu năm học mới. Như con gái nhỏ của tôi đang học lớp 3, đầu năm học mới, tôi cần phải đóng c như: phí phát triển trường, phí đồng phục, phí đồ dùng học tập, sách giáo khoa, sách tiếng Anh, phí phát triển trí tuệ, học ngoại khóa, tổ chức sự kiện, bảo hiểm...
Dù trong đó có vài khoản không bắt buộc nộp cho nhà trường, nhưng nếu không nộp thì phụ huynh cũng phải tự mua bên ngoài. Đồ dùng học tập, sách giáo khoa, bảo hiểm đều là những thứ không thể không mua cho con. Với những nhà có điều kiện kinh tế, làm kinh doanh, có tiền, thì đây không phải vấn đề gì quá to tát. Nhưng với những gia đình công nhân, nông dân, công chức, viên chức, lao động có thu nhập thấp, lại phải nuôi 2-3 đứa con học cấp ba, đại học, đây là cả một vấn đề nan giải.
Nếu con học trường tư, tháng đầu năm học, việc phải chi vài chục triệu cho 2-3 đứa con mỗi đầu năm học là bình thường. Nếu con học trường công lập, các khoản thu ít hơn nhưng cũng ngốn cả tháng lương của hai bố mẹ, trong khi còn rất nhiều chuyện phải lo cho cuộc sống hàng ngày.
>> Khoản thu 'tự nguyện' không đóng không được
Mỗi khi kết thúc năm học, tôi thường nhắc các con mang hết bộ sách giáo khoa đã học của năm cũ, quần áo cũ các con không mặc mang đi cho con nhà người khác có nhu cầu dùng hoặc mang đi gửi các tổ chức làm thiện nguyện. Bởi vì, có nhiều gia đình vẫn còn rất khó khăn, phải đi xin sách cũ, đồ dùng học tập cũ, quần áo cũ cho con. Nhiều bố mẹ phải thông qua các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội tìm mua cho con bộ sách giáo khoa cũ, máy tính đã qua sử dụng với hy vọng "tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy". Có những nhà phải giật gấu vá vai, khắc phục bằng mọi cách để tiết kiệm chi tiêu một cách tối đa.
Bước vào năm học mới, nhiều gia đình đang phải gồng mình để có đủ tiền lo cho con đến lớp với bao khoản chi tiêu, đóng góp. Năm học mới 2023-2024, phụ huynh lẫn thầy cô có rất nhiều nỗi lo mới liên quan đến việc dạy và học. Học phí tăng, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đảm bảo, giá cả leo thang, sinh hoạt phí tăng, thu nhập của bố mẹ dẫu có được tăng một chút cũng không đáng kể so với mức độ leo thang của giá cả.
Nhiều bậc phụ huynh vẫn đứng ngồi không yên vì những khoản thu "tự nguyện", "thỏa thuận" tính ra còn nhiều hơn cả tiền học phí. Bên cạnh nỗi lo lạm thu các khoản phí "tự nguyện" đầu năm học, nhiều người cũng than thở việc sắm đồ dùng học tập đầu năm cho trẻ quá tốn kém, nhất là đối với phụ huynh nghèo thì nỗi lo này lại nhân lên gấp nhiều lần. Mặc dù hiện nay, một số hiệu sách, cửa hàng bán lẻ áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá cho mặt hàng sách giáo khoa và sách tham khảo nhưng giá một số dụng cụ học tập vẫn còn cao, nhất là cặp sách, ba lô, đèn học, máy tính...
Gánh nặng đầu năm học mới là nỗi lo thường niên của các bậc phụ huynh có con em đang độ tuổi đến trường. Chỉ còn một tháng nữa thôi, tiếng trống ngày khai giảng sẽ vang lên ở mỗi trường học, như lời thúc giục cho mỗi thầy, cô giáo cũng như từng học sinh cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt nhất năm học này. Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng những nỗi lo cũ vẫn chồng chất trên vai phụ huynh.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.