Giấc ngủ tác động đến nhiều khía cạnh sức khỏe như cân nặng, hệ thống miễn dịch, não bộ, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường... Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cách cơ thể tạo ra các hormone khác, từ đó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Khi thức khuya, cơ thể tạo ra nhiều hormone cortisol hơn, ảnh hưởng đến cách insulin hoạt động và khả năng phản ứng của tế bào với insulin.
Để nâng cao chất lượng giấc ngủ, người tiểu đường nên đặt giờ đi ngủ và giờ thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Lịch trình này giúp tạo thói quen tốt, ổn định đồng hồ sinh học để người tiểu đường dễ vào giấc và ngủ sâu hơn.
Trước 1-2 giờ đi ngủ không nên dùng điện thoại, xem tivi, laptop hoặc tiếp xúc với ánh sáng xanh. Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử có thể ức chế hormone melatonin cần thiết cho giấc ngủ.
Người tiểu đường cần chọn môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe và độ tuổi. Hoạt động thể chất góp phần cải thiện độ nhạy insulin bằng cách khuyến khích các tế bào cơ hấp thụ glucose trong máu tạo năng lượng. Từ đó, người bệnh ngon giấc hơn.
Vệ sinh giấc ngủ là bước quan trọng để có giấc ngủ ngon, không riêng gì người tiểu đường. Nên giữ phòng ngủ không quá sáng, mát mẻ, yên tĩnh. Không nuôi thú cưng trong phòng ngủ, không làm việc và đặt tivi ở không gian này. Gia đình có thể dùng máy xông tinh dầu hoặc máy tạo ẩm để bổ sung độ ẩm không khí, hương thơm cho phòng, tạo cảm giác thoải mái.
Người tiểu đường có thể tắm nước ấm, chăm sóc da. Thư giãn bằng cách đọc sách, viết nhật ký, nghe nhạc để giảm lo lắng liên quan đến các tình trạng mạn tính, chuẩn bị tốt cho giấc ngủ.
Trong chế độ ăn uống, người tiểu đường cần tránh các món chứa caffeine ít nhất 8 giờ và không uống rượu trước khi đi ngủ. Cả hai chất này đều có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. Tránh ăn quá no vào buổi tối vì dễ làm tăng lượng đường trong máu, nguy cơ trào ngược dạ dày. Không ăn các món giàu carbohydrate, nhiều đường, muối, chất làm ngọt vào bữa tối.
Nếu phải làm việc vào ban đêm hoặc có ca làm việc luân phiên buổi tối, người bệnh nên cố gắng duy trì thời gian ăn và ngủ đều đặn, ngay cả vào ngày nghỉ. Tập thể dục như đi bộ ngắn hoặc duỗi người lúc nghỉ ngơi cũng giúp ích.
Người có lượng đường trong máu thường xuyên cao vào buổi sáng nên trao đổi với bác sĩ và làm thêm một số xét nghiệm lượng đường trong máu hoặc sử dụng máy theo dõi glucose liên tục để xác định nguyên nhân. Bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc điều trị tiểu đường hoặc tư vấn thói quen sinh hoạt tốt cho người bệnh.
Anh Chi (Theo WebMD, EveryDay Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |