Nghiện hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Theo thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cai thuốc lá không phải là một quá trình ngắn và dễ dàng. Người bắt đầu cai thuốc lá cần xác định mục tiêu của bản thân, hiểu tác hại của thuốc lá tới sức khỏe của bản thân và gia đình. Không tự thỏa hiệp với bản thân bằng việc giảm dần lượng thuốc hút vì cách này không hiệu quả.
Người bỏ hút thuốc nên bỏ những dụng cụ liên quan đến thuốc lá trong nhà như gạt tàn, que diêm, bật lửa. Những vật dụng này xuất hiện trong tầm mắt có thể khiến lên cơn thèm thuốc lá.
Nicotine là thành phần gây nghiện, cảm giác thèm nicotine chính là nguyên nhân khiến nhiều người thất bại khi cai thuốc lá. Uống một ly nước mát khi cảm giác thèm thuốc lá đột ngột đến giúp đào thải lượng nicotine trong cơ thể. Bạn có thể thay nước uống bằng nước ép, sinh tố hay sữa.
Các hoạt động thể dục trong thời gian ngắn như đi bộ, hít thở sâu cũng có thể mang đến hiệu quả. Người muốn bỏ hút thuốc nên nói chuyện với bạn bè về ý định này để họ chủ động nhắc nhở, theo dõi. Bạn cũng nên tránh tụ tập, đi đến nơi có người hút thuốc lá nhằm hạn chế tối đa cảm giác thèm thuốc.
Nhiều người có thói quen hút thuốc lá khi uống cà phê hoặc sau khi ăn cơm. Theo bác sĩ Đô, thay đổi địa điểm uống cà phê là một giải pháp khá hiệu quả vì tránh liên tưởng, gợi nhớ về thói quen cũ.
Sau khi ăn cơm, nên đánh răng hoặc dùng nước súc miệng. Mùi vị của kem đánh răng góp phần giảm cảm giác thèm thuốc lá. Khi răng miệng sạch sẽ, bạn cũng ngại hút thuốc hơn. Người cai nghiện thuốc lá cũng nên đánh răng thường xuyên để giảm tình trạng ố vàng.
Khuê Lâm