Nhai và tiêu hóa thức ăn cũng cần sử dụng oxy. Đồng thời, thức ăn trong dạ dày sẽ chèn phổi và cơ hoành nên đôi khi việc thở sẽ trở nên khó khăn hơn. Các tình trạng như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc hen suyễn có thể khiến cho phổi to hơn, chèn lấp khoang ngực khiến lượng khí oxy hít vào cũng ít đi.
Các vấn đề về hô hấp gây khó thở cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi khi ăn. Nhưng ăn uống đầy đủ có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe, tránh được bệnh tật cũng như nhiễm trùng. Do đó, một số cách dưới đây có thể giúp người hay bị khó thở ăn uống dễ dàng hơn:
Làm sạch phổi trước ăn
Để ăn uống dễ thở hơn, người bệnh hô hấp có thể tự làm sạch phổi một giờ trước khi ăn. Nếu hay bị hụt hơi trong lúc ăn, nên làm sạch chất nhầy trong phổi một giờ trước bữa ăn. Hãy thử ho nhẹ nhàng một cách có kiểm soát, sao cho làm lỏng chất nhầy và đẩy chúng qua đường thở ra ngoài.
Một cách khác là nằm ở các vị trí khác nhau để dẫn lưu chất nhầy ra khỏi phổi. Nếu những cách đó không hiệu quả, bạn có thể thử vỗ vào ngực và cổ để làm lỏng chất nhầy trong phổi.
Ngồi thẳng lưng
Nằm ngửa hoặc gò vai xuống có thể gây áp lực lên phổi của bạn. Thay vào đó, hãy ngồi thẳng trên ghế và đặt hai chân trên sàn. Tư thế này cho phép phổi mở rộng hoàn toàn, tạo không gian cho phổi và cơ hoành mở rộng, có thể giúp ích cho cả quá trình hô hấp và tiêu hóa.
Đừng ăn quá nhiều
Những bữa ăn lớn sẽ khiến dạ dày gây áp lực lên phổi và cơ hoành gây khó thở. Ăn vừa phải để tạo cho phổi và cơ hoành nhiều không gian hơn. Một cách để không ăn quá nhiều trong một lần là chia nhỏ bữa ăn. Thay vì ba bữa ăn lớn mỗi ngày, hãy ăn 5 hoặc 6 bữa nhỏ hơn. Điều đó cũng đảm bảo cung cấp cho bạn một nguồn năng lượng liên tục để không cảm thấy mệt mỏi.
Tăng cường oxy trong bữa ăn
Ở người bệnh hen suyễn sử dụng ống hít, đeo trong khi ăn để cung cấp cho cơ thể lượng oxy cần thiết để thúc đẩy quá trình tiêu hóa khỏe mạnh. Nếu có ống thông mũi khác, hãy nhớ đeo trong khi ăn để cơ thể có thêm oxy cần thiết cho quá trình tiêu hóa.
Theo dõi mức năng lượng
Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hơn vào cuối ngày, hãy ăn sớm hơn. Hoặc nếu có kế hoạch gì đó cần tiêu tốn năng lượng hãy ăn trước khi hoạt động diễn ra. Những người có xu hướng mệt mỏi trong khi ăn, hãy chợp mắt một chút trước đó. Ngủ giúp cung cấp năng lượng cần thiết để vượt qua khó thở trong bữa ăn. Tránh nằm xuống tối thiểu 30 phút sau ăn vì có thể khiến cơ thể khó tiêu hóa thức ăn hơn.
Tránh các loại thực phẩm gây đầy hơi
Thực phẩm gây đầy hơi hoặc chướng bụng có thể khiến khó thở hơn do làm giảm không gian phổi. Phổ biển là các loại thực phẩm như đậu, bông cải xanh, táo, hành, tỏi, hẹ cũng như các thực phẩm đồ uống kém lành mạnh hơn như đồ uống có ga và đồ chiên nhiều dầu mỡ. Mỗi người phản ứng với thực phẩm khác nhau, vì vậy hãy theo dõi đâu là loại thực phẩm ảnh hưởng đến tình trạng khó thở nhiều nhất và hạn chế ăn.
Theo dõi cân nặng
Ở người thừa cân, tim và phổi sẽ phải làm việc nhiều hơn. Nếu bạn thiếu cân, cơ thể sẽ khó chống lại nhiễm trùng. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể cho bạn biết những gì phù hợp và đưa ra một kế hoạch ăn kiêng, tập thể dục phù hợp để duy trì cân nặng lành mạnh.
Ăn kỹ và nhai chậm
Ăn kỹ, nhai chậm để tránh nuốt không khí, có thể gây đầy hơi và dành thời gian trong bữa ăn cho việc hít thở sâu, cung cấp lượng oxy cần thiết cho cơ thể. Cắn những miếng nhỏ hơn và nếu cảm thấy khó thở, hãy nhai chậm lại và nghỉ ngơi. Cố gắng duy trì bữa ăn ít nhất 20 phút.
Thử kỹ thuật thở
Nếu bị khó thở khi ăn, thở mím môi có thể giúp bạn vượt qua tình trạng này. Thả lỏng vai, sau đó ngậm miệng và hít vào bình thường bằng mũi trong 2 giây. Mím môi trong tư thế như sắp thổi tắt một ngọn nến, sau đó thở ra bằng miệng từ từ trong 4 giây.
Bảo Bảo (Theo WebMD)