Tôi vừa mới bầu hai tháng. Vì lần đầu tiên có tin vui làm mẹ nên bản thân bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm về dinh dưỡng thai kỳ. Tôi nên ăn như thế nào để em bé không thừa, thiếu cân? (Nguyễn Ngọc Lan, TP HCM).
Trả lời:
Trong quá trình mang thai, mẹ sẽ siêu âm, thăm khám định kỳ để kiểm tra kích thước, quá trình tăng cân của thai nhi. Ở mỗi thời điểm, độ tuổi thai sẽ tương ứng với một cân nặng phù hợp. Nếu thai nhẹ cân hoặc thừa cân thì chế độ dinh dưỡng của mẹ chưa hợp lý với con. Điều này có thể là do khẩu phần ăn hoặc bệnh lý của mẹ như: bánh nhau bị vôi hóa, dây rốn bị nhỏ, bị xoắn vặn hay những bất thường khác.
Do vậy, mẹ bầu cần đi khám thai thường xuyên, định kỳ để bác sĩ tư vấn giúp tăng cân hoặc kiểm soát sự tăng cân phù hợp. Nếu thai nhi nhẹ cân thì dễ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai hoặc suy dinh dưỡng sau khi chào đời. Nếu thai quá to, khung chậu người mẹ không đáp ứng được thì khả năng sinh mổ cao hơn, đi kèm với nhiều rủi ro.
Theo đó, việc giữ mức độ tăng cân vừa phải cho thai nhi trong thai kỳ là điều quan trọng. Nếu thai thiếu cân thì mẹ nên ăn cơm nhiều, tăng cường uống thêm sữa. Sữa trong thai kỳ quan trọng vì chứa nhiều dưỡng chất giúp chế độ dinh dưỡng cho mẹ cân đối, đầy đủ. Nếu chị em không thích sữa bầu thì có thể uống sữa tươi không đường hoặc có đường, tùy theo mong muốn tăng cân. Nếu chị em chỉ ăn cơm, chất béo, thịt cá nhiều hơn thì người mẹ tăng cân còn thai nhi thì không, như vậy không tốt.
Mẹ cần ăn uống đa dạng để phong phú dưỡng chất. Nếu trong quá trình khám thai, bác sĩ nói thai nhi đang tăng cân quá nhanh thì mẹ không nên giảm ăn nhiều. Mục tiêu lúc này bé giảm tốc độ tăng cân. Ví dụ, mẹ thấy trong 2 tuần mà cân nặng bản thân tăng 2 kg thì nên giảm lại, chỉ tăng 1-1,5 kg. Lúc này mẹ bầu sẽ ăn ít cơm, ít chất béo. Bên cạnh đó, thay vì ăn đồ dầu mỡ, chiên xào, chị em nên ăn thức ăn hấp luộc, bỏ bớt mỡ, da. Chị em cũng nên giảm bớt những món ngọt như chè, kem... dễ gây tăng cân khó kiểm soát.
Đặc biệt, có những loại dinh dưỡng, thực phẩm không tốt cho sự tăng cân, phát triển trí não của thai nhi mẹ cần lưu ý như: đồ uống có cồn (bia, rượu). Chất cồn gây ảnh hưởng đến thai nhi, làm tổn thương não. Ngoài ra, những loại chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá mẹ cũng không nên sử dụng vì thai nhi sẽ quen với nồng độ caffeine, kích thích sự hô hấp. Khi chào đời bé có thể bị suy hô hấp. Lúc đó, bác sĩ phải sử dụng cà phê để kích thích, ấp thì trẻ mới thở bình thường, điều này nguy hiểm.
Những tháng cuối thai kỳ, mẹ tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn, có gas, cà phê... Mẹ bầu cũng không nên ăn nhiều muối, ăn quá mặn có thể dẫn đến phù hay huyết áp tăng..
BS.CKI Đào Thị Yến Thủy
Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM