Trả lời:
Ba của bạn có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Thứ nhất là tuổi tác, người cao tuổi dễ đột quỵ hơn người trẻ. Thứ hai, nam giới thường có tỷ lệ đột quỵ cao hơn nữ. Thứ ba, bệnh tăng huyết áp cũng dẫn đến nguy cơ cao đột quỵ.
Mất ngủ không trực tiếp gây ra đột quỵ, nhưng rối loạn giấc ngủ làm tăng nặng các yếu tố nguy cơ đã có hoặc xuất hiện thêm các yếu tố mới, có thể dẫn tới đột quỵ.
Ba bạn cần có biện pháp kiểm soát huyết áp, song song đó là giải pháp phù hợp nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Mất ngủ ở người cao tuổi có thể đến từ nguyên nhân lo âu, trầm cảm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người cao tuổi thường có nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm cao hơn người trẻ tuổi.
Mất ngủ cũng có thể liên quan đến các bệnh lý hay vấn đề khác trong cơ thể như bệnh thần kinh, bệnh cơ xương khớp, tiêu hóa, tiết niệu, tim mạch... Trường hợp này người bệnh cần chụp hình não hoặc kết hợp các phương pháp siêu âm, xét nghiệm khác.
Hiện, phương pháp đo đa ký giấc ngủ, đưa ra các thông số dựa trên chức năng sinh lý giấc ngủ của cơ thể người, góp phần chẩn đoán nhiều bệnh thần kinh gây rối loạn giấc ngủ.
Khi đo đa ký giấc ngủ, thông qua nhiều kênh điện cực khác nhau được lắp đặt vào đúng các vị trí tương thích trên cơ thể người bệnh, thiết bị có thể tự động thu thập đầy đủ các thông số về điện não, chuyển động mắt, nhịp tim, chuyển động chân, luồng khí thở, cử động thở, độ bão hòa oxy... Nhờ vậy, bác sĩ có thể đánh giá đủ mọi mặt của giấc ngủ và tìm ra nguyên nhân rối loạn hoạt động giấc ngủ của người bệnh.
Bạn nên đưa ba đi khám, bác sĩ tìm ra nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp. Có thể chỉ định dùng thuốc trong giai đoạn ngắn giúp ngủ ngon hơn, phục hồi và trở về trạng thái sinh lý bình thường. Sau đó điều trị bệnh lý liên quan, nếu có.
TS.BS Lê Văn Tuấn
Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |