Trả lời:
Cuộc sống bận rộn, căng thẳng khiến tình trạng mất ngủ gia tăng. Mất ngủ cũng có thể xảy ra do nhiều bệnh mạn tính khác.
Người mất ngủ kéo dài có nguy cơ đột quỵ cao hơn người bình thường, nhất là ở người trẻ dưới 35 tuổi. Nguy cơ này thường giảm ở người lớn tuổi mất ngủ. Mất ngủ cũng làm tăng khả năng nhập viện vì đột quỵ lên 54% trong vòng 4 năm.
Chứng mất ngủ bao gồm khó bắt đầu hoặc khó duy trì giấc ngủ, hay thức dậy vào ban đêm, không ngủ lại được. Người bệnh thường cảm thấy không được nghỉ ngơi đầy đủ, buồn ngủ vào ban ngày, lo lắng, trầm cảm, khó tập trung, giảm khả năng ghi nhớ hoặc chú ý. Mất ngủ mạn tính hoặc dai dẳng kéo dài từ một đến 6 tháng.
Cơ chế liên quan giữa mất ngủ với đột quỵ vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng chất lượng giấc ngủ kém có thể làm thay đổi sức khỏe tim mạch thông qua tình trạng viêm hệ thống, suy giảm khả năng dung nạp glucose, tăng huyết áp hoặc tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Bạn không nói rõ mức độ mất ngủ của bạn như thế nào. Tuy nhiên, bạn có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường - những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, bệnh mất ngủ, khó ngủ càng làm cho huyết áp tăng lên. Bạn nên đi khám để được điều trị sớm, kiểm soát bệnh nền để có giấc ngủ tốt hơn. Tầm soát đột quỵ với các chỉ định khám, xét nghiệm, chụp chiếu chuyên sâu có thể ngăn ngừa nguy cơ gây đột quỵ.
Có nhiều liệu pháp giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Xác định đúng nguyên nhân gây mất ngủ có thể điều trị sớm, từ đó cải thiện chất lượng sống, sức khỏe và giảm nguy cơ đột quỵ.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu
Giám đốc Trung tâm Thần kinh - Đột quỵ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |