Bé Nam, ngụ Hòa Bình, được bó bột điều trị gãy tay một tháng rưỡi nhưng cánh tay sau đó không thể cử động bình thường. Nam điều trị vật lý trị liệu tại bệnh viện và các phòng khám tư nhân ba tháng không có kết quả.
Hôm 24/6, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh nhân bị cứng khớp khuỷu hạn chế vận động do gãy xương nội khớp đầu dưới xương cánh tay. Kết quả chụp cắt lớp CT cho thấy mảnh xương rời ra và mắc kẹt trong khớp.
Phần khớp khuỷu tay giống như chiếc bản lề liên kết hoạt động của ba xương là xương cánh tay, xương trụ và xương quay. Bản lề bị mắc kẹt bởi một vật khiến biên độ đóng mở hạn chế, từ đó cánh tay không thể duỗi thẳng hay co gập sát.
Gãy xương vùng khớp còn làm máu tích tụ bên trong và xung quanh khớp, tạo điều kiện cho quá trình xơ dính xảy ra. Tay trái bị bất động khi bó bột thời gian dài làm các dây chằng và mô mềm xơ hóa, không còn đàn hồi như trước.
Để phục hồi vận động cho bé Nam, bác sĩ phẫu thuật đưa phần xương gãy về vị trí ban đầu. Mảnh xương gãy sau hơn ba tháng kể từ khi gặp chấn thương đã dính vào vị trí khác. Các bác sĩ phải phá rời xương, giải quyết tình trạng kẹt khớp, đồng thời đặt xương vào vị trí cũ để tự liền lại.
Sau ca phẫu thuật kéo dài 60 phút, khớp khuỷu tay được giải phóng, bé Nam có thể co gập tay 80% so với tay còn lại. Hầu hết trường hợp gãy xương nội khớp di lệch nhiều đều phải phẫu thuật. "Đây là ca phẫu thuật lớn với bé 8 tuổi", bác sĩ Quyền nói thêm rằng độ tuổi này xương đang phát triển nên tỷ lệ lành xương cao, nhưng nếu được phẫu thuật sớm ngay sau chấn thương thì hiệu quả điều trị tối ưu hơn, giảm đau, nhanh phục hồi, tránh được biến chứng đáng tiếc như cứng khớp, lệch trục chi.
Một ngày sau mổ, Nam bắt đầu liệu trình vật lý trị liệu hai ngày mỗi lần. Bác sĩ Quyền cho biết tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật rất quan trọng, nếu không vận động đúng cách, chỉ sau ba tuần khớp dễ cứng trở lại và có thể phải can thiệp phẫu thuật lần hai. Do tập cơ gập dễ hơn cơ duỗi nên bé Nam được nẹp duỗi thẳng cánh tay trong lúc ngủ, sau đó thực hiện bài tập gập tay. Quá trình vật lý trị liệu kéo dài trong 3-6 tháng, giúp phục hồi vận động khớp.
Sau chấn thương khớp khuỷu 2-3 tháng mà việc tập luyện không giúp lấy lại được tầm vận động nghĩa là trẻ có nguy cơ bị cứng khớp khuỷu tay. Tình trạng này khiến tay không thể co duỗi với biên độ thông thường như duỗi thẳng, gập khuỷu cho bàn tay chạm vai, chạm tay vào sau cổ, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày.
Theo bác sĩ Quyền, chấn thương khuỷu tay thường gặp ở trẻ 6-12 tuổi, nhất là 6-8 tuổi. Đây là độ tuổi hiếu động, trẻ chơi đùa té ngã và theo bản năng chống tay xuống đất dễ dẫn đến chấn thương vùng khuỷu tay. Để tránh biến chứng lâu dài ảnh hưởng đến sự phát triển, ngay sau chấn thương, phụ huynh nên cho trẻ đến cơ sở uy tín khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Phụ huynh nên giữ an toàn cho trẻ khi vui chơi, đội mũ bảo hiểm và sử dụng đồ bảo hộ chân tay khi chơi các môn thể thao như đạp xe, trượt patin, trượt ván... giúp giảm chấn thương.
Ly Nguyễn
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi