Kết quả nội soi trực tràng tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho thấy mảnh xương dài 6 cm, bề dày 1,5 cm, đâm xuyên vào thành hậu môn của bệnh nhân. Bà Liên cho hay hai ngày trước ăn gà bị hóc xương, tưởng mảnh xương đã trôi ra ngoài theo đường tiêu hóa.
"Đây là trường hợp khá hy hữu, vì mảnh xương gà khá to đã đi qua hết các cơ quan của hệ tiêu hóa, từ miệng đến thực quản, dạ dày, ruột non xuống đại trực tràng mà không gây ra tổn thương hay triệu chứng", thạc sĩ, bác sĩ Phùng Đức Tiến, chuyên khoa Nội soi Tiêu hóa, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết hôm 23/12, thêm rằng xương gà đi xuống ống hậu môn và mắc kẹt tại đây, khiến bệnh nhân đau dữ dội.
Theo bác sĩ Tiến, mảnh xương chưa gây viêm loét hay hoại tử đoạn ruột của bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là trường hợp cấp tính nên quy trình nội soi khác với thông thường. Bình thường khi nội soi trực tràng, người bệnh phải bơm làm sạch trực tràng bằng thuốc. Tuy nhiên, chẩn đoán có dị vật nên công đoạn này được bỏ qua, tránh dị vật đâm sâu hơn vào thành ruột, gây tổn thương đường ruột, tăng mức độ đau cho người bệnh.
Bác sĩ nội soi đại tràng không đau (gây mê) bằng hệ thống máy nội soi Fuji 7000 cho bà Liên. Do mảnh xương to, dài cắm ngang ống hậu môn, bác sĩ phải sử dụng kìm chuyên dụng rút dị vật ra. Sau can thiệp, người bệnh dễ chịu, không còn cảm giác đau vùng mông, xuất viện ngay trong ngày.
Khi bị hóc xương, tăm tre, vỏ thuốc, dị vật có thể xâm nhập vào đường thở, đâm thủng đường tiêu hóa. Bác sĩ Tiến khuyến cáo khi xuất hiện triệu chứng đau ở bất cứ bộ phận nào của đường tiêu hóa, người bệnh cần đến cơ sở y tế nhanh chóng để được kiểm tra, xử lý kịp thời. Nếu để lâu, biến chứng, người bệnh có thể phải điều trị chuyên sâu hơn như cắt lọc hay các kỹ thuật can thiệp ngoại khoa phức tạp khác.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |