Ông Ngọc ban đầu được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư trực tràng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội kiểm tra lại. Kết quả nội soi cho thấy vùng trực tràng sát vị trí hậu môn có tổn thương dạng u khối lồi, đường kính khoảng 1,2x1,5 cm, bề mặt màu vàng nhạt.
Ngày 22/6, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, cho biết ông Ngọc mắc u thần kinh nội tiết. U thần kinh nội tiết là nhóm u bắt đầu từ các tế bào chuyên biệt trong hệ thống thần kinh nội tiết. U thần kinh nội tiết phát triển nhiều nhất ở đường tiêu hóa, đại tràng (20%), ruột non (19%), ruột thừa (4%), ngoài ra có thể gặp ở phổi và tuyến tụy.
Khối u của ông Ngọc kích thước hơn 1 cm, song chưa có dấu hiệu xâm lấn sâu hay di căn hạch. Bác sĩ cắt tách dưới niêm mạc (ESD) trực tràng, lấy toàn bộ khối u, bảo toàn trực tràng và đảm bảo chức năng tự nhiên cho người bệnh. Bác sĩ Khanh cho biết nếu phát hiện muộn, u phát triển kích thước lớn người bệnh có thể phải cắt đoạn trực tràng, làm hậu môn nhân tạo.
ESD là kỹ thuật nội soi được sử dụng nhằm cắt bỏ toàn bộ các khối u đường tiêu hóa xâm lấn nhẹ hoặc các tổn thương niêm mạc lớn hơn. Kỹ thuật này hiệu quả trong điều trị các khối u đường tiêu hóa, bao gồm cả u nội tiết trực tràng, ngay cả khi u có nguy cơ biến chứng cao như thủng, chảy máu, theo bác sĩ Khanh.
Sau hai ngày phẫu thuật, ông Ngọc hồi phục sức khỏe, xuất viện.
U trong hệ thống thần kinh nội tiết kết hợp các đặc điểm của tế bào thần kinh và tế bào nội tiết sản xuất hormone. Các tế bào thần kinh nội tiết nằm rải rác khắp cơ thể. Các khối u thần kinh nội tiết sinh ra khi các tế bào nội tiết phân chia và nhân lên không kiểm soát.
U thần kinh nội tiết trực tràng hầu như đều không có triệu chứng. Người bệnh thường được phát hiện tình cờ khi nội soi đại tràng sàng lọc ung thư, dưới dạng một tổn thương nhỏ dưới niêm mạc màu vàng nhạt với niêm mạc bên trên còn nguyên vẹn, thường nằm ở giữa trực tràng.
Theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Thần kinh Nội tiết châu Âu (ENETS), các khối u nhỏ hơn 1 cm, ít có nguy cơ xâm lấn mạch bạch huyết, không có nguy cơ ác tính, cần được loại bỏ bằng nội soi. Nguy cơ di căn ước tính dưới 3% với u nội tiết trực tràng dưới 1 cm. Các u trực tràng lớn hơn 2 cm có nguy cơ cao hơn, dễ xâm lấn đến lớp cơ và nguy cơ di căn cao (60-80%). Lúc này phương pháp phẫu thuật cắt bỏ được ưu tiên. Đánh giá khối u qua nội soi và siêu âm nội soi hoặc chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc giúp bác sĩ chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo người bệnh nên tái khám định kỳ 6 tháng một lần giúp phát hiện tổn thương ở các cơ quan khác. Người trên 45 tuổi, có bất thường đường tiêu hóa nên nội soi tầm soát.
Lục Bảo
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |