Dép xỏ ngón được ưa chuộng trong mùa hè vì tiện lợi, thoải mái, giữ cho đôi chân thoáng mát. Tuy nhiên, mang loại dép này thường xuyên không tốt cho chân, làm trầm trọng thêm một số vấn đề về chân. Dưới đây là một số rủi ro.
Viêm cân gan chân
Cân gan bàn chân là dải gân cơ bám từ các chỏm xương bàn tới xương gót, giúp bàn chân có độ nhún và duy trì độ cong sinh lý của bàn chân. Tình trạng viêm cân bàn chân gây đau gót chân.
Khi đi dép xỏ ngón, các ngón chân có xu hướng bị kẹp quá mức vì dây đai mỏng không giữ chặt dép ở đúng vị trí. Các ngón chân cần co lại và bám chặt vào quai có thể khiến dây chằng bị kéo căng. Dép thường có bề mặt phẳng, không có tác dụng nâng đỡ nếu cơ thể vận động mạnh hoặc di chuyển nhiều. Theo thời gian, những áp lực đè nén có thể dẫn tới viêm cân gan chân.
Đau gót chân
Dép xỏ ngón không có lớp đệm hỗ trợ giữa gót chân và mặt đất khiến chân phải chịu áp lực nhiều hơn trong mỗi bước đi. Đau gót chân thường xảy ra khi đi bộ quá nhiều.
Phồng rộp
Da ở ngón chân có thể cọ xát vào quai dép. Về lâu dài, sự ma sát này dẫn đến phồng rộp. Nếu vết thương vỡ ra, chân dễ nhiễm khuẩn, nấm. Người ra mồ hôi chân nhiều hoặc sống trong môi trường ẩm ướt dễ phồng chân vì đây là điều kiện thuận lợi để vết phồng phát triển.
Bong gân mắt cá chân
Bong gân mắt cá chân (trật mắt cá chân) là sự tổn thương xương cổ chân và dây chằng bao quanh khu vực này. Đây là chấn thương phổ biến, nhất là với người đi dép xỏ ngón. Nguyên nhân do chúng thiếu sự hỗ trợ, làm tăng khả năng vấp ngã.
Bong gân mắt cá nhân có biểu hiện như bầm tím, sưng đỏ, nóng lên, căng cứng khớp, đau nhức và khó di chuyển.
Trầm trọng thêm bàn chân bẹt
Theo tiến sĩ, bác sĩ Alex Kor, thành viên Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật bàn chân Mỹ, dép xỏ ngón thường thiếu hỗ trợ cho chân, khiến bàn chân bẹt tiến triển, gây ra chứng đau vòm chân.
Các loại giày dép có đệm hỗ trợ hoặc nẹp chỉnh hình tốt hơn cho chân. Chúng giúp tăng cường sức mạnh cho bàn chân, đầu gối. Thực hiện bài tập giãn cơ sau một ngày dài cũng tốt cho xương khớp.
Dễ nhiễm trùng
Đôi chân dễ tiếp xúc với mầm bệnh khi thường xuyên đi dép xỏ ngón. Nguyên nhân là do chúng ít có khả năng bảo vệ chân khỏi vi khuẩn tồn tại trên sàn nhà, tăng tình trạng lây nhiễm sang da hoặc móng tay. Nếu dép xỏ ngón không được làm sạch thường xuyên có thể chứa hơi ẩm và nấm mốc. Vi khuẩn dễ sinh sôi trong môi trường ẩm ướt này và phát triển mạnh.
Ngón chân hình búa
Biến dạng ngón chân hình búa thường xuất hiện ở một trong ba ngón giữa. Lúc này, khớp giữa của ngón chân cong và nhô lên bất thường, gây đau và khó khăn khi mang giày dép hoặc di chuyển. Mang dép xỏ ngón thời gian dài có thể làm biến dạng bàn chân. Ngón chân có thể bị cong, quặp trong thời gian dài và không thể trở lại hình dạng ban đầu.
Để giảm đau và phòng tránh các bệnh về chân, nên chọn giày dép vừa vặn, có hỗ trợ vòm và đệm. Tránh đi giày sandal hoặc dép xỏ ngón trong thời gian dài, nhất là khi tham gia hoạt động thể chất gây căng thẳng cho khớp. Nên đi mua giày vào buổi chiều, để giày ở nơi thoáng khí ít nhất 8 tiếng trước khi cất vào tủ.
Người lái xe hơi không nên mang dép xỏ ngón vì chúng có thiết kế đế mỏng. Dép bị cong và mắc kẹt dưới bàn đạp thắng, khiến khó dừng xe kịp thời. Khi mang dép ướt, chân dễ trượt khỏi bàn đạp thắng, rất nguy hiểm.
Huyền My (Theo Livestrong, Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |