Trả lời:
Thoái hóa khớp là rối loạn mạn tính làm tổn thương sụn và các mô xung quanh khớp. Khi thoái hóa tiến triển đến giai đoạn 4, giai đoạn nặng nhất, người bệnh thường đau nhiều, khó đi lại, có thể phải dùng xe lăn. Lúc này, tùy tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật khác nhau, trong đó có phẫu thuật thay khớp.
Phẫu thuật thay khớp là biện pháp can thiệp xâm lấn nhằm thay thế khớp cũ đã bị hư hại bằng khớp nhân tạo. Khớp nhân tạo có thể được làm từ vật liệu sinh học, kim loại... giúp người bệnh phục hồi khả năng vận động. Phương pháp này thường được áp dụng để điều trị các trường hợp khớp bị tổn thương do thoái hóa, chấn thương, bệnh lý ung bướu... Các vị trí thay khớp phổ biến là gối, vai, háng.
Người mắc bệnh truyền nhiễm vẫn có thể thay khớp. Tuy nhiên, bác sĩ cần chú ý thêm về thể trạng của người bệnh trước khi phẫu thuật. Ví dụ, với người bệnh nhiễm HIV, trước khi phẫu thuật, bác sĩ kiểm tra nồng độ tế bào bạch cầu CD4 còn đảm bảo không để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Người bệnh viêm gan được đánh giá chức năng gan để đảm bảo quá trình gây tê, gây mê diễn ra an toàn...
Nếu bạn có chỉ định thay khớp thì có thể yên tâm thực hiện. Bạn cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa và trang thiết bị đầy đủ. Bạn nên thông báo rõ cho bác sĩ về bệnh truyền nhiễm đang mắc phải và các tình trạng sức khỏe khác.
ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa
Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình,
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |