Bệnh thận mạn tính (CKD) xảy ra khi thận bị tổn thương và không còn khả năng lọc máu. Khi đó, chất thải có thể tích tụ trong cơ thể, gây ra nhiều triệu chứng và vấn đề sức khỏe. Bệnh được chia thành 5 giai đoạn, từ nhẹ đến nặng.
Bệnh thận mạn tiến triển nặng hơn theo thời gian và dẫn đến suy thận, ảnh hưởng đến tuổi thọ. Người mắc bệnh thận sống được bao lâu phụ thuộc vào mức độ tổn thương thận, độ tuổi và giai đoạn chẩn đoán. Tổn thương thận nặng ở độ tuổi trẻ có thể làm giảm tuổi thọ trung bình của người bệnh nhiều hơn so với chẩn đoán bệnh muộn nhưng tổn thương thận ít hơn.
Giai đoạn một và hai
Ở giai đoạn một và hai, thận tổn thương ở mức độ nhẹ, vẫn hoạt động khá tốt và các triệu chứng có thể chưa xuất hiện. Tổn thương thận chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Các giai đoạn sau, tổn thương thận trở nên rõ ràng hơn và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Giai đoạn ba
Tuổi thọ trung bình của người bệnh thận mạn giai đoạn ba phụ thuộc vào độ tuổi khi được chẩn đoán mắc bệnh. Theo Hệ thống dữ liệu thận Mỹ (USRDS) và báo cáo dữ liệu tuổi thọ hàng năm của Anh cho thấy người 40 tuổi mắc bệnh giai đoạn 3A có thể sống hơn 24 năm. Người bệnh giai đoạn 3A ở tuổi 60 có thể sống thêm trung bình 10 năm.
Giai đoạn 4
Ở giai đoạn này, bệnh thận mạn đã tiến triển khá xa. Khả năng sống thấp hơn đáng kể so với tuổi thọ trung bình của họ. Nghiên cứu tổng hợp trên cho thấy một người 70 tuổi mắc bệnh thận giai đoạn 4 sống được thêm khoảng 4 năm. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố, chẳng hạn phương pháp điều trị mới hơn, có thể không được phản ánh trong các nghiên cứu trước đây.
Giai đoạn 5
Người bệnh thận giai đoạn cuối có tuổi thọ thấp hơn nhiều so với tất cả giai đoạn trên. Thận đã suy giảm chức năng nghiêm trọng, tổn thương không thể phục hồi. Người bệnh có tuổi thọ tương đối thấp.
Nhận biết sớm các dấu hiệu, hiểu rõ nguyên nhân, tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ có thể giúp người bệnh thận mạn sống lâu và khỏe mạnh hơn. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể bao gồm phù chân, da khô, ngứa hoặc tê, mệt mỏi, đau đầu, đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn, buồn nôn, chán ăn, khó ngủ, nôn mửa, sụt cân.
Mục tiêu điều trị là hạn chế hoặc ngăn ngừa tổn thương thêm cho thận, từ đó làm chậm quá trình tiến triển đến các giai đoạn sau, cải thiện tuổi thọ. Người bệnh thận mạn nên lưu ý kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu nếu bị tiểu đường, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, ăn uống lành mạnh, tập thể dục, ngủ đủ giấc, bỏ hút thuốc, hạn chế căng thẳng.
Lọc máu và ghép thận là các phương pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối. Lọc máu giúp kéo dài cuộc sống của người bệnh thêm nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ. Lọc máu cũng là lựa chọn cho những người đang chờ ghép thận. Ghép thận tăng khả năng sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng và thải ghép (cơ thể đào thải nội tạng mới).
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |