Thận là cơ quan thực hiện nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như lọc máu, đào thải độc tố, cân bằng điện giải, tham gia vào quá trình tạo máu... Bất kỳ tổn thương nào tại thận cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để thận luôn khỏe mạnh, BS.CKII Ngô Đồng Dũng, khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chỉ ra một số thói quen tốt cho thận như sau:
Bổ sung đủ nước: Nước không chỉ đóng vai trò quan trọng với cơ thể mà còn cần thiết để thận làm việc hiệu quả và khỏe mạnh nên uống đủ nước rất cần thiết. Uống quá nhiều nước khiến thận phải làm việc quá tải, uống ít nước khiến các độc tố dễ tích tụ. Tùy thể trạng, giới tính, cường độ vận động, mỗi người có thể uống lượng nước khác nhau, trong đó người trưởng thành cần khoảng 1,5-2 lít nước. Có thể bổ sung bằng nhiều hình thức như nước uống, nước ép trái cây, các món ăn nhiều nước.
Cắt giảm muối: Thói quen ăn mặn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cao huyết áp - tác nhân chủ yếu gây ra bệnh suy thận mạn. Ăn nhiều muối còn là tác nhân hàng đầu hình thành sỏi thận. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối một người trưởng thành tiêu thụ chỉ nên dưới 5 g một ngày. Tuy nhiên, người bệnh thận nên cắt giảm còn dưới 2 g muối một ngày.
Duy trì cân nặng hợp lý: Người thừa cân, béo phì là một trong những nhóm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, xơ vữa mạch máu cao nhất. Các vấn đề sức khỏe này đều ảnh hưởng xấu đến chức năng thận, nguy cơ dẫn tới suy thận mạn tính. Do đó, cần thường xuyên theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) để duy trì ở mức 18,5-24,9. Người có BMI vượt qua ngưỡng này đồng nghĩa thừa cân, béo phì, cần áp dụng chế độ ăn uống tiết chế khoa học, kết hợp tập thể dục đều đặn.
Kiểm soát tốt đường huyết: Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mạn. Nồng độ đường trong máu quá mức gây quá tải cho thận, phá hủy các mạch máu cầu thận, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận, suy giảm chức năng thận và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Thường xuyên theo dõi huyết áp: Cao huyết áp lâu ngày làm xơ dày thành mạch máu dẫn đến hẹp lòng mạch máu, giảm lưu lượng máu tới thận. Huyết áp cao còn tổn thương các mạch máu trong thận, hệ quả dẫn tới suy giảm chức năng thận. Mức huyết áp cần duy trì khoảng 120/80 mmHg.
Dùng thuốc theo chỉ định: Ngoài tác dụng chữa bệnh, các loại thuốc tiềm ẩn những tác dụng phụ nhất định. Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm có thể ảnh hưởng đến chức năng thận nếu dùng thường xuyên, không theo kê đơn. Không tự ý mua và sử dụng các thực phẩm chức năng không rõ thành phần và nguồn gốc, các loại nước lá cây không rõ công dụng mà chưa tham khảo bác sĩ.
Tập thể dục thường xuyên: Vận động thường xuyên đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể và sức khỏe thận như giúp duy trì cân nặng hợp lý, giảm mỡ máu, cải thiện lưu thông máu, tăng sức đề kháng... Cường độ, hình thức và thời gian luyện tập cần phù hợp với thể trạng của từng người, không nên tập quá sức.
Định kỳ kiểm tra chức năng thận: Những tổn thương chức năng thận thường phát triển âm thầm, khó nhận ra thông qua các biểu hiện bên ngoài, mà cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá mới có thể phát hiện. Người khỏe mạnh có thể kiểm tra chức năng thận định kỳ 6-12 tháng một lần. Người mắc bệnh thận, tiểu đường, cao huyết áp, béo phì... cần kiểm tra chức năng thận thường xuyên hơn do biến chứng liên quan đến thận ở nhóm này diễn ra nhanh hơn.
Ăn uống lành mạnh: Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến chức năng thận. Ăn uống lành mạnh, khoa học là cách đơn giản để cơ quan này luôn khỏe mạnh. Đảm bảo cung cấp đủ và cân bằng các nhóm chất tinh bột, đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất, chất xơ; cần hạn chế muối, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, nhiều đường và dầu mỡ.
Không hút thuốc, hạn chế bia rượu: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia gây hại cho thận theo nhiều cách khác nhau. Những thói quen này khiến thận phải làm việc quá tải, làm tăng nguy cơ ung thư thận, tổn thương hệ thống mạch máu thận, giảm lượng máu tới thận, gây rối loạn điện giải trong cơ thể... Đây đều là những tác nhân gây hại cho thận.
Thắng Vũ
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |