Chiều 28/11, anh Quang đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tái khám, sắc mặt hồng hào, rạng rỡ, bước đi vững chãi, dù từng mắc suy thận giai đoạn cuối. Thầy thuốc ưu tú, BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, điều trị anh Quang một năm rưỡi qua, cho biết các chỉ số thận bệnh nhân đang phục hồi ổn định, khuyên duy trì phác đồ hiện tại.
Anh Quang được phát hiện suy thận mạn hồi tháng 4/2021, triệu chứng phù chân, mệt mỏi. Thời điểm đó Covid-19 bùng phát, anh không thể tái khám và điều trị. Khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, bệnh suy thận của anh đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Anh và gia đình đến nhiều bệnh viện, được tư vấn ghép thận vì chức năng thận đã kém. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký, anh chờ đến lượt ghép thận, sức khỏe ngày càng yếu.
Sau đó, anh đến bác sĩ Phương Dung điều trị. Bác sĩ Dung cho biết độ lọc cầu thận (eGFR) của người bệnh rất thấp, khoảng 14 ml/phút/1,73 m2 da, tương đương suy thận mạn giai đoạn 5. Người bệnh còn mắc hội chứng thận hư, thiếu máu do thiếu sắt và tiền sử cao huyết áp.
Bệnh suy thận mạn (bệnh thận giai đoạn cuối) xảy ra khi chức năng của thận suy giảm nghiêm trọng, gần như mất hoàn toàn. Chỉ số độ lọc cầu thận ở người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối thường dưới 15 ml/phút/1,73 m2 da. Độ lọc cầu thận càng thấp đồng nghĩa chức năng lọc chất thải trong máu của thận càng kém, dẫn đến tích tụ chất thải, lượng lớn nước, chất điện giải trong cơ thể gây tổn thương các cơ quan khác.
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường), huyết áp cao, bệnh cầu thận là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong.
Theo bác sĩ Dung, nhiều người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối có nhu cầu ghép thận. Tuy nhiên, phương pháp này không mang lại kết quả tuyệt đối, luôn có tỷ lệ thất bại, nguy cơ xảy ra các biến chứng như thải ghép (bộ phận cấy ghép bị hệ thống miễn dịch của người nhận tấn công phá hủy) hay nhiễm trùng.
Anh Quang còn trẻ, thiếu máu chưa nghiêm trọng, dùng thuốc chưa phù hợp, bác sĩ Dung thuyết phục trì hoãn ghép thận, điều trị nội khoa bằng thuốc khác phù hợp hơn. Người bệnh được hướng dẫn thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng như ăn nhạt, rau luộc kỹ, có thể ăn thịt gà, cá nhưng phải bỏ da và ruột. Người bệnh cần kiêng muối và mỡ; hạn chế hải sản, thịt bò, một số loại trái cây như xoài, nho, chuối, nước dừa; không dùng trái cây khô, đồ chiên nướng, thực phẩm chức năng, thuốc nam hoặc thuốc bắc.
Hai tháng đầu áp dụng phác đồ điều trị mới, anh Quang phục hồi tốt nhưng sang tháng thứ ba, độ lọc cầu thận sụt giảm, anh rất lo lắng. Lúc này, trung tâm ghép thận liên hệ, nhưng anh lấy lý do gia đình để trì hoãn, tiếp tục điều trị.
Sau một năm rưỡi, chức năng thận của anh dần phục hồi. Độ lọc cầu thận tăng từ 14 ml/phút lên đến 26 ml/phút, gần về giai đoạn 3. "Đây là một kỳ tích của người bệnh", bác sĩ Dung nói.
Bệnh thận mạn là gánh nặng toàn cầu, với gần 850 triệu người mắc, khoảng 41,5% trường hợp không qua khỏi. Tổ chức Tiết niệu Quốc tế dự báo đến năm 2040 bệnh thận là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 trên thế giới.
Hội lọc máu Việt Nam ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn. Mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 8.000 ca bệnh mới, là nguyên nhân tử vong do bệnh đứng thứ 8 tại Việt Nam. Thống kê của Trung tâm Ghép tạng Quốc gia, cả nước hiện có hơn 4.600 người chờ ghép thận.
Theo bác sĩ Dung, hiện có ba phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối gồm chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, ghép thận. Trong đó, ghép thận là phương pháp tối ưu nhưng còn nhiều hạn chế như nguồn thận không có sẵn, chi phí cao, đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm, tay nghề cao, có chứng chỉ ghép thận, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh biến chứng.
Hai phương pháp còn lại gồm chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng (gọi chung là lọc máu) không chữa khỏi bệnh nhưng giúp người bệnh duy trì sự sống, có thể từ 10 năm trở lên nếu áp dụng đúng phác đồ điều trị.
Bác sĩ lưu ý người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất, tuân thủ các chỉ định, chế độ dinh dưỡng, lối sống phù hợp. Người bệnh tái khám định kỳ theo lịch để bác sĩ theo dõi quá trình phục hồi, kịp thời phát hiện bất thường và đưa ra phương án xử lý.
Thắng Vũ
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |