Theo TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày thông qua nhiều cơ chế. Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh việc tiếp xúc lâu dài với lượng muối cao làm thay đổi độ nhớt của niêm mạc dạ dày, khiến chúng bị tổn thương, gây chết tế bào hoặc tăng sinh tế bào tái tạo, dẫn đến viêm, teo. Những tổn thương này làm tăng khả năng nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (H.P) hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng. Lâu dần các tổn thương tiền ung thư như viêm teo dạ dày, chuyển sản ruột có thể hình thành.
Tiến sĩ Khanh dẫn theo kết quả của nhóm nghiên cứu Đại học Griffith và Đại học Queensland (Australia), đăng tải trên Thư viện Y khoa Mỹ tháng 8/2022 cho thấy, nồng độ muối cao còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn H.P xâm nhập vào dạ dày, phát triển nhanh và hoạt động mạnh hơn. Đây là tác nhân nguy hiểm nhất gây ra tình trạng viêm loét và ung thư dạ dày. Trong môi trường mặn, các vi khuẩn này có thể tự điều chỉnh, làm tăng sự biểu hiện của loại protein gây ung thư (cagA) trong chuỗi ADN của hệ gene.
Ngoài ra, chế độ ăn mặn, lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn như cá thịt ướp muối, thịt xông khói, thực phẩm có nhiều chất béo, cholesterol và hàm lượng nitrat, nitrit cao cũng thúc đẩy hình thành các hợp chất N-nitroso. Hợp chất này khi tác dụng với các amin trong cơ thể có thể gây biến đổi chất, đột biến gene, dẫn đến ung thư đường tiêu hóa, trong đó có ung thư dạ dày.
Nghiên cứu tổng hợp do Đại học Chiết Giang và nhiều đơn vị khác trên 6,3 triệu người cho thấy, lượng muối trong chế độ ăn uống tăng 5 g một ngày làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên 12%. Trong khi khảo sát của WHO tại Việt Nam ước tính, người Việt trưởng thành tiêu thụ trung bình 9,4 g muối một ngày, gần gấp đôi so với khuyến nghị là dưới 5 g một ngày.
Theo Tiến sĩ Khanh, thói quen ăn mặn xuất phát từ việc nêm nếm thức ăn với nước mắm, muối, bột nêm hoặc sở thích ăn thực phẩm, hoa quả kèm theo các loại nước chấm, muối chấm. Điều này khiến cơ thể nạp lượng muối nhiều hơn mức cần thiết. Để bảo vệ dạ dày, mọi người cần hạn chế sử dụng muối trong các bữa ăn.
Nếu trong bữa ăn có nhiều món đã chế biến với các loại gia vị, tốt nhất gia đình không nên để thêm bát nước chấm hoặc gia vị trên mâm cơm. Nếu cần dùng nước chấm, bạn nên pha loãng và gia giảm thêm một số gia vị khác như chanh, tiêu, tỏi, ớt... Cách này giúp giảm độ mặn nhưng vẫn ngon miệng. Các sản phẩm từ sữa, bánh mì, thịt và động vật có vỏ đều chứa một lượng muối nhất định. Trong quá trình chế biến món ăn, người dùng nên điều chỉnh lượng mắm muối phù hợp để tránh trường hợp thức ăn quá mặn.
Tiến sĩ Khanh nói khuyên, các gia đình có thể nêm nếm thức ăn bằng các loại thảo mộc và gia vị khác như bột ớt, lá hương thảo, tỏi, cỏ xạ hương thay vì muối. Chọn đồ ăn nhẹ không ướp muối hoặc thành phần có hàm lượng muối từ 5% trở xuống. Hạn chế nêm thêm mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn; từ bỏ thói quen chấm trái cây với các loại muối tôm, muối bột canh, muối ớt, muối phô mai... khi ăn cũng là cách đơn giản giúp giảm tiêu thụ muối.
Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao trên thế giới. Thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam có gần 1,1 triệu người mắc ung thư tiêu hóa và gần 770.000 trường hợp tử vong. Bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn không chỉ gặp nhiều khó khăn trong điều trị mà còn tốn kém chi phí. Trường hợp phát hiện muộn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng dưới 20%. Trong khi phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh có thể chữa khỏi đến 90%.
Ung thư dạ dày có thể phát hiện sớm bằng phương pháp nội soi tầm soát do các triệu chứng nhận biết sớm không đặc trưng. Ngoài xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống và vận động hợp lý, người từ 40 tuổi; có tiền sử mắc các bệnh dạ dày hoặc gia đình có người ung thư dạ dày; béo phì; thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia nên nội soi dạ dày định kỳ để đề phòng nguy cơ mắc bệnh.
Trịnh Mai