Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là một bệnh lý thần kinh nguy hiểm, xảy ra đột ngột, khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn. Não thiếu oxy và dinh dưỡng, các tế bào não chết hàng loạt. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, người bệnh đột quỵ dễ gặp biến chứng nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cao.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các tài xế chuyên nghiệp có nguy cơ đột quỵ do tính chất nghề nghiệp. Ngồi lâu trên ôtô trong thời gian dài có nguy cơ hình thành cục máu đông. Nhiệt độ thấp của máy lạnh trên ôtô làm các mạch máu dễ co lại, máu có xu hướng đặc, dính, dễ đông hơn. Cục máu đông có thể di chuyển đến não, gây tắc nghẽn dòng máu chảy, dẫn tới đột quỵ.
Tài xế có thể bị sốc nhiệt do đang ngồi trong xe máy lạnh rồi đột ngột ra ngoài trời nắng nóng. Điều này khiến mạch máu não giãn đột ngột, bong mảng xơ vữa lòng mạch, tích tụ tạo cục máu đông, chặn đứng nguồn tưới máu đến não.
Người điều khiển phương tiện giao thông có đặc thù ngồi liên tục, làm tăng khả năng mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, cao cholesterol trong máu, xơ vữa mạch máu... Đây là các yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.
Bác sĩ Đức dẫn các nghiên cứu cho thấy hơn 50% trường hợp đột quỵ có bệnh nền tăng huyết áp. Cholesterol cao cũng làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám, cục máu đông. Tài xế có thói quen hút thuốc, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 6 lần. Chất cồn trong rượu bia gây tăng huyết áp, bệnh tim mạch, xơ cứng mạch máu. Thói quen ăn uống thiếu kiêng khem, hấp thu nhiều chất béo, đạm, đường cũng dễ dẫn đến các bệnh lý liên quan đến đột quỵ.
Bác sĩ Minh Đức cho biết thêm có hai nhóm đột quỵ chính là đột quỵ nhồi máu não (do mạch máu não bị tắc nghẽn) và đột quỵ xuất huyết não (do mạch máu não bị rách, vỡ, làm chảy máu vào nhu mô não). Để phòng tránh đột quỵ, người thường xuyên điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát các bệnh nền tốt (nếu có), hạn chế thuốc lá, rượu bia, tăng cường vận động, tránh để máy lạnh quá thấp dễ gây sốc nhiệt.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có đến hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ từ nhẹ đến trung bình, nặng. Tầm soát đột quỵ định kỳ là phương pháp giúp kiểm soát từ sớm các bất thường.
Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo người có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ như yếu liệt một bên hoặc toàn bộ cơ thể, lệch miệng hoặc một bên mặt, khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt... nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được can thiệp kịp thời.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |