Một lần đi khám sức khỏe, chị Mai Thu Huyền (24 tuổi, Hà Nội) phát hiện có tổn thương ở đỉnh phổi. Chị đã đi khám ở một số bệnh viện, bác sĩ nghi ngờ do lao nên chỉ định chị làm xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao (AFB). Tuy nhiên, vì chị không ho, không khạc được đờm nên xét nghiệm âm tính, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi và kê thuốc uống.
Hai tháng sau người bệnh đau ngực, sốt nên đến khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Bác sĩ chụp cắt lớp phổi, phát hiện tổn thương đỉnh phổi trái kèm tràn dịch màng phổi trái. Do không có triệu chứng ho, không khạc đờm nên người bệnh được chỉ định nội soi rửa phế quản, lấy mẫu dịch, xét nghiệm phát hiện thấy vi khuẩn lao. Bác sĩ chẩn đoán chị Huyền mắc cùng lúc lao phổi và tràn dịch màng phổi do lao.
"Tôi rất ngạc nhiên vì trong gia đình không ai mắc lao, không biết nguồn lây ở đâu. Bản thân còn trẻ nên không nghĩ mình mắc lao phổi", chị Huyền chia sẻ.
May mắn thể lao của chị chưa kháng thuốc nên sau hơn một năm điều trị với phác đồ thuốc chống lao đặc hiệu, chị hết tràn dịch màng phổi, giảm tổn thương lao ở đỉnh phổi trái vôi, xơ hóa hoàn toàn, sức khỏe cải thiện tốt.
Theo PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, lao phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả người khỏe mạnh. Đặc biệt nhóm tuổi từ 16-30 tuổi khi mắc lao là những người có nguy cơ lây truyền lao cao nhất.
"Vi khuẩn lao lây qua đường hô hấp, người trẻ với lối sống thích giao lưu, tụ tập, đến những nơi đông đúc, đi du lịch nhiều nên dễ nhiễm bệnh. Độ tuổi này có phạm vi tiếp xúc xã hội rộng, đặc biệt ở những môi trường đông người như trường học, công ty, các cơ sở giải trí... nên nguy cơ truyền bệnh cao", PGS Hạnh lý giải.
Thông thường lao phổi gây ho, khạc đờm nhưng ở người trẻ có hệ miễn dịch tốt có thể không có triệu chứng lâm sàng, dẫn đến khó phát hiện. Đa phần bệnh nhân chỉ phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ. Do không có triệu chứng nên để chẩn đoán, người bệnh sẽ được làm khí dung siêu âm với nước muối ưu trương để kích thích ho, khạc đờm, xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Nếu sau khí dung vẫn không có đờm thì tiến hành nội soi rửa phế quản ở những vị trí có tổn thương, lấy dịch để xét nghiệm. Đây là phương pháp chẩn đoán lao có khả năng thành công, độ chính xác cao.
"Lao phổi nếu không phát hiện, điều trị sớm sẽ lan ra ngoài phổi, gây tràn dịch màng phổi, xơ phổi, ho ra máu, có trường hợp ho ra máu sét đánh gây tử vong... Điều trị lao phổi giai đoạn muộn khó khăn và có thể kéo dài nhiều tháng. Người bệnh có thể phải điều trị nhiều năm do tổn thương nặng nề ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, nguy cơ kháng thuốc", PGS Hạnh nhận định.
Chuyên gia cũng khuyến cáo cần phân biệt dấu hiệu giữa nhiễm Covid-19 với lao phổi, tránh trường hợp chẩn đoán nhầm gây chậm trễ điều trị. Covid-19 là bệnh cấp tính, triệu chứng khi khởi phát gồm sốt, đau mỏi người, đau rát họng, đa phần sẽ hết trong vài ngày mà không cần uống thuốc. Trong khi đó, triệu chứng lao phổi thường dai dẳng, gồm ho khạc đờm kéo dài, ho ra máu, ra mồ hôi trộm ban đêm, sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân, không thể tự khỏi nếu không dùng thuốc kháng lao. Ngoài ra nhiều người nghĩ bị triệu chứng hậu Covid-19 và không đi khám, nên khi phát hiện tổn thương lao đã lan rộng.
Để phòng ngừa lao, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nói chung, người dân cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, không thức quá khuya, không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, ma túy; sinh hoạt tình dục lành mạnh bởi một số bệnh lây qua đường tình dục như HIV gây suy giảm miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm lao. Khi gia đình có người được phát hiện mắc lao, các thành viên cần tầm soát lao càng sớm càng tốt.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Hoài Phạm