Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết phổi khỏe nhất khoảng 20-25 tuổi. Sau khoảng 35 tuổi, chức năng phổi giảm dần cùng với quá trình lão hóa, gây khó thở.
Nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Theo bác sĩ Thắm, một số thay đổi tự nhiên của cơ thể xảy ra khi già có thể giảm dung tích phổi. Cơ bắp yếu đi theo tuổi tác, trong đó có cơ hoành, dẫn đến điều hòa hơi thở khó khăn. Mô phổi có chức năng giữ đường thở thông thoáng mất tính đàn hồi, đường thở bị thu hẹp.
Cấu trúc lồng ngực của người già thay đổi làm giảm độ giãn nở của thành ngực. Loãng xương liên quan đến tuổi tác dẫn đến giảm chiều cao của đốt sống ngực, hạn chế dung tích lồng ngực, khiến phổi ít có không gian để mở rộng.
Khung xương sườn trở nên cứng hơn do vôi hóa làm khả năng giãn nở của lồng ngực trong khi hít vào kém dần, cản trở sự co bóp của cơ hoành. Sức mạnh cơ hô hấp yếu đi khiến người già khó loại bỏ dị vật, chất gây dị ứng, dịch nhầy để khai thông đường thở.
Theo thời gian, đường thở và hệ thống mạch máu cũng trở nên kém linh hoạt. Các túi khí có nhiệm vụ trao đổi khí oxy - carbon dioxide trong máu bắt đầu giãn nở, khiến vận chuyển máu giàu oxy đến những cơ quan trong cơ thể ít hiệu quả.
Những thay đổi về giải phẫu, sinh lý và miễn dịch theo tuổi tác làm cho toàn bộ hệ hô hấp suy yếu. Bên cạnh đó, khả năng đáp ứng với một số loại thuốc điều trị bệnh hô hấp ở người già không tốt như thời trẻ.
Bác sĩ Thắm cho biết hệ miễn dịch suy giảm, người già thường mắc nhiều bệnh nền cùng lúc khiến nên có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp biến chứng nặng cao, điều trị khó khăn. Theo báo cáo tại Hội nghị lão khoa Quốc gia cuối năm 2022, trung bình mỗi người cao tuổi ở Việt Nam mắc khoảng ba bệnh mạn tính đồng thời, phổ biến như tiểu đường, tim mạch, suy thận, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn...
Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ tử vong tăng lên 5 lần khi một người bệnh tim mạch mắc cúm, gấp 12 lần với người bệnh hô hấp, cao 20 lần nếu mắc cúm khi có bệnh tim mạch và hô hấp, tiểu đường...
Bác sĩ Thắm khuyến cáo người cao tuổi cần kiểm soát tốt bệnh nền (nếu có) bằng cách tuân thủ đơn thuốc điều trị, tái khám đúng hẹn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp với thể lực, duy trì cân nặng hợp lý. Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thường xuyên rửa tay khử khuẩn. Tránh xa khói thuốc lào, thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với người đang có dấu hiệu mắc bệnh như sốt, sổ mũi, ho cũng là cách phòng tránh nguy cơ mắc bệnh hô hấp.
Người có triệu chứng bất thường như ho, khó thở kéo dài nên đến bệnh viện ngày để bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |